Bất chấp những phát ngôn gây sốc, sự giận dữ của cộng đồng quốc tế, thậm chí bị Tổng thống Mỹ Barack Obama từ chối gặp mặt, ông Rodrigo Duterte vẫn là chính trị gia nổi tiếng nhất Philippines.
Theo AFP, bước sang tháng nắm quyền thứ ba trong nhiệm kỳ dài 6 năm, tổng thống Duterte đã nhuộm lên các khu ổ chuột tại quốc gia của mình một màu đỏ, qua chiến dịch tiêu diệt tội phạm ma túy đầy bạo lực, đã dẫn tới việc cảnh sát và những tay súng giấu mặt bắn chết gần 3.000 người.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 71 tuổi vẫn đang nhận được nhiều sự ủng hộ, bất chấp những tranh cãi không ngừng gia tăng từ những phát ngôn nóng nảy và độc miệng nhắm vào Liên hợp quốc và nhiều chính trị gia cao cấp của thế giới. Ngay cả Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng bị ông Duterte gọi là “đồ con hoang.”
Các nhà phân tích cho rằng ông Duterte quả có những nhược điểm nhất định, nhưng ông vẫn là sự lựa chọn của 16 triệu người Philippines, những cá nhân đã căm ghét sự mục ruỗng, tha hóa của nhiều chính trị gia khác ở trong nước.
“Có thể ông ấy chỉ đang nói những điều mà người dân bình thường không dám nói vì họ sợ hay xấu hổ,” nhà khoa học chính trị Antonio Contreras chia sẻ với hãng tin AFP.
“Thật khó giải thích. Đây là một vấn đề về lòng tự tôn,” Earl Parreno, nhà nghiên cứu thuộc Viện Cải cách Chính trị và Bầu cử ở Manila nhận định, và giải thích rằng ông Duterte đại diện cho hy vọng về một sự thay đổi thực sự của rất nhiều người dân.
“Bất chấp những bước đi sai, những lời lăng mạ của ông ấy... những gì người dân muốn là cho ông ấy một cơ hội làm điều gì đó có tác động đến cuộc sống của họ,” Parreno chia sẻ với AFP.
Irving dela Cruz, một giám đốc công nghệ thông tin, người phải mất tới 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày vượt qua cảnh giao thông đông nghẹt ở Manila để đi làm, cũng chia sẻ quan điểm về hy vọng này.
“Được rồi, tôi không thích thái độ, những câu chửi thề, tất cả những điểm tiêu cực của ông ấy. Nhưng những gì ông ấy đã làm, cũng như những gì ông ấy sẽ tiếp tục làm lại có sức nặng hơn. Ông ấy minh bạch, chẳng có điểm nào trong tính cách là giả dối, và ông ấy đại diện cho những người bình thường. Tôi thậm chí còn thấy mình an toàn hơn khi ông ấy nắm quyền,” dela Cruz chia sẻ với AFP.
Parreno cho biết người Phillipines nhìn chung đều ủng hộ chiến dịch trấn áp tội phạm đẫm máu của ông Duterte, không phải vì họ không nhận thức được các quyền lợi của mình, mà vì họ quan tâm đến an toàn cá nhân nhiều hơn.
“Họ thực sự nghĩ chúng tôi cần hành động kiểu này. Đôi khi điều đó thật đáng xấu hổ, những suy nghĩ của đám đông là vậy.”
Cơ quan thăm dò ý kiến Pulse Asia tại Manila cho biết, trong cuộc khảo sát gần đây nhất hồi tháng 7 vừa qua, 91% người Philippines ủng hộ ông Duterte, tức là chỉ hơn một tháng sau khi ông nhận được 38% phiếu bầu của cử tri để giành ghế Tổng thống Philippines.
Trong khi đó, các nhóm hoạt động nhân quyền, các lãnh đạo nhà thờ ở Philippines và một số nhà lập pháp lại đứng về phía Mỹ và Liên hợp quốc, chỉ trích các vụ giết chóc không qua xét xử ở trong nước.
“Đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia, và chính phủ Philippnes, đặc biệt là tổng thống Duterte lại đang cổ vũ và khuyến khích chiến dịch này... Thật sự hết sức đáng sợ,” Phelim Kine thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền chia sẻ với hãng tin Al Jazeera.
“Các luật sư, các nhà hoạt động nhân quyền hiểu những điều này, nhưng người thường sống trên các đường phố thì không. Họ (các nạn nhân) bị gán là tội phạm, bị xem như những kẻ nghiện ngập.”
Được biết, sự nổi tiếng của ông Duterte đã vượt khỏi biên giới Philippines khi ông có chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào.
Theo người phát ngôn Martin Andanar của tổng thông Duterte, một số bộ trưởng nước ngoài, cũng như các đoàn đại biểu tại hội nghị ASEAN đã chen nhau chụp ảnh selfie với nhà lãnh đạo Philippines.
“Bất chấp những ngôn từ đủ sắc thái mà ông ấy dùng, người châu Á trong khu vực tỏ ra vẫn hiểu và đồng cảm với ông,” Enersto Abella, một người phát ngôn khác của ông Duterte cho hay./.