Canada tiến gần tới mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2%

Ngân hàng Trung ương Canada cho rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% nằm trong tầm ngắm nhưng họ vẫn cảnh báo rằng áp lực dai dẳng về giá cả vẫn khiến các nhà hoạch định phải tăng thêm lãi suất.
Canada tiến gần tới mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% ảnh 1Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Toronto, Canada. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 7/9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) Tiff Macklem cho biết mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2% của BoC đã nằm trong tầm ngắm, nhưng vẫn cảnh báo rằng áp lực dai dẳng về giá cả vẫn có thể khiến các nhà hoạch định chính sách phải tăng thêm lãi suất.

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi BoC quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5%, một dấu hiệu cho thấy chính sách thắt chặt tiền tệ bắt đầu mang lại kết quả.

Ông Macklem giải thích rằng mục tiêu 2% của BoC đã nằm trong tầm ngắm, nhưng chúng ta vẫn chưa thực sự đạt được điều đó và có những lo ngại về tiến độ đang chậm lại.

[Những dấu hiệu suy thoái đáng lo ngại của nền kinh tế Canada]

Ông cũng thừa nhận phần lớn nguyên nhân gây ra tỷ lệ lạm phát ở Canada là do chi phí thế chấp tăng gắn với việc tăng lãi suất của chính ngân hàng, nhưng lập luận rằng nếu không có chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, lạm phát trong toàn bộ nền kinh tế sẽ là vấn đề lớn hơn nhiều đối với tất cả mọi người.

BoC đã thực hiện tăng lãi suất 10 lần trong 18 tháng qua, khiến chi phí trở nên đắt đỏ hơn nhiều đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp khi phải đi vay và trả nợ. Mục tiêu của việc này là làm chậm chi tiêu và đầu tư trong toàn bộ nền kinh tế, giúp cung có thời gian bắt kịp cầu và giảm áp lực tăng giá.

Trước lần tạm dừng này, BoC đã có hai lần tăng lãi suất liên tiếp vì cho rằng nền kinh tế chưa đủ hạ nhiệt để làm giảm lạm phát. Nhưng một loạt các dữ liệu yếu hơn mong đợi trong tháng trước đã làm thay đổi những toan tính này.

Số liệu tăng trưởng GDP ở mức 0,2% được Cơ quan Thống kê Canada công bố vào tuần trước cho thấy nền kinh tế đang bước vào suy thoái trong quý 2/2023.

Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 0,5 điểm phần trăm trong 3 tháng qua, lên tới 5,5% và số lượng việc làm còn trống đã giảm mạnh so với một năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng đã giảm xuống còn 3,3% trong tháng 7/2023, nhưng giá dầu đã tăng trở lại khiến nguy cơ lạm phát sẽ bị đẩy lên cao trong thời gian tới.

Các dự báo kinh tế mới nhất của BoC cho thấy lạm phát sẽ khoảng 3% trong năm tới và chỉ giảm xuống mức mục tiêu 2% vào giữa năm 2025.

Mức mục tiêu lạm phát 2% được BoC và Chính phủ Canada đồng ý thiết lập vào năm 1991 sau một thời kỳ lạm phát dai dẳng ở mức hơn 12% vào những năm 1981 của thế kỷ trước.

Các chuyên gia cho rằng về lý thuyết, mức lạm phát 2% sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế tổng thể tốt bởi khi người dân và doanh nghiệp biết rõ mức tỷ lệ lạm phát, họ có thể lập kế hoạch tài chính dài hạn. Điều này dẫn đến một nền kinh tế hoạt động tốt hơn. Tăng trưởng kinh tế trung bình mạnh hơn và việc làm cao hơn.

BoC cho rằng khi lạm phát ở mức 2%, nền kinh tế Canada sẽ có xu hướng hoạt động hết khả năng của nó và nhu cầu về hàng hóa dịch vụ sẽ gần ngang với những gì nền kinh tế có thể cung cấp.

Trả lời phóng viên TTXVN tại Ottawa, Giáo sư Luis Silva của Trường đại học Toronto cho biết việc giá cả leo thang và tiền lương không thể cạnh tranh khiến thu nhập của người dân bị đẩy xuống nấc thang thấp hơn. Đây là lý do tại sao Chính phủ Canada hay bất cứ quốc gia công nghiệp nào cũng muốn duy trì lạm phát ở mức 2%. Điều này sẽ giúp tạo ra sự ổn định về giá, cho phép mọi người ở các mức thu nhập, đặc biệt là người thu nhập thấp hay tầng lớp trung lưu có thể đủ sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục