Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, sau nhiều năm thảo luận, Chính phủ Canada đang chuẩn bị cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật.
Bộ Y tế Canada xác nhận Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos sẽ thúc đẩy những thay đổi trong Đạo luật Thực phẩm và Dược phẩm liên bang, theo đó dự kiến sẽ cấm bán mỹ phẩm đã được thử nghiệm trên động vật.
Lệnh cấm sẽ được áp dụng với loạt sản phẩm, bao gồm đồ trang điểm, nước hoa, sữa dưỡng thể, sản phẩm tạo kiểu tóc, bọt cạo râu và sơn móng tay.
[Nghị viện châu Âu yêu cầu chấm dứt thí nghiệm khoa học trên động vật]
Đáng chú ý, lệnh cấm sẽ mở rộng sang mỹ phẩm có chứa các thành phần thử nghiệm trên động vật.
Đạo luật trên sắp được điều chỉnh sau chiến dịch vận động kéo dài nhiều năm của các nghị sỹ và cam kết của Đảng Tự do sẽ hành động về vấn đề này trong cương lĩnh tranh cử của đảng.
Hơn 40 quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh, cũng như một số bang của Mỹ (California, Maine và Louisiana) đã cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật.
Năm 2013, Liên minh châu Âu đã ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật cũng như cấm bán mỹ phẩm đã được thử nghiệm theo cách này.
Chính phủ Canada cũng đang tìm cách giảm thử nghiệm trên động vật trong các lĩnh vực khác. Bộ Y tế Canada và Bộ Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada đang chuẩn bị để điều chỉnh yêu cầu rằng các hóa chất và thuốc mới phải được kiểm tra độc tính trên động vật.
Những thay đổi về quy định đó sẽ cho phép kiểm tra độ an toàn của hóa chất và thuốc bằng cách sử dụng các biện pháp thay thế đã được chứng minh, một sự thay đổi mà những người ủng hộ phúc lợi động vật đã tìm kiếm từ lâu.
Thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật - chủ yếu là chuột và thỏ - bao gồm thử nghiệm trên mắt để tìm kích ứng và trên da để tìm phản ứng dị ứng.
Theo Liên minh Mỹ phẩm Canada, việc thử nghiệm như vậy là cực kỳ hiếm ở Canada. Darren Praznik, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Liên minh Mỹ phẩm Canada, cho biết tổ chức này “hoàn toàn ủng hộ” lệnh cấm.
Dự luật nhằm cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật - được một thượng nghị sỹ đảng Bảo thủ hiện đã nghỉ hưu, Carolyn Stewart Olsen đưa ra vào năm 2015 - đã trải qua 4 năm thảo luận tại Quốc hội, nhưng chưa được thông qua thành luật./.