Canada sắp áp thuế kỹ thuật số với các tập đoàn công nghệ lớn

Thủ tướng Trudeau kêu gọi áp thuế 3% với các doanh nghiệp kỹ thuật số đạt doanh thu tối thiểu 40 triệu CAD tại Canada (30 triệu USD) và có tổng thu nhập toàn cầu tối đa 1 tỷ CAD (gần 756 triệu USD).
Biểu tượng của Tập đoàn Amazon. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tượng của Tập đoàn Amazon. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tương tự chính sách đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số (DST) của Pháp, Chính phủ Canada cũng sẽ áp thuế đối với các tập đoàn công nghệ lớn như Amazon, Google, Facebook...

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Canada Bill Morneau nhấn mạnh mong muốn rằng các công ty kỹ thuật số hoàn thành nghĩa vụ đóng góp thuế công bằng tại nước này.

Trong chiến dịch tranh cử giúp đảng Tự do chiến thắng hồi tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Justin Trudeau đã kêu gọi áp thuế 3% đối với các doanh nghiệp kỹ thuật số đạt doanh thu tối thiểu 40 triệu CAD tại Canada (tương đương 30 triệu USD) và có tổng thu nhập toàn cầu tối đa 1 tỷ CAD (gần 756 triệu USD).

[Pháp, Mỹ đạt được thỏa thuận về đánh thuế kỹ thuật số]

Theo cương lĩnh của đảng Tự do, việc đánh thuế đối với các quảng cáo trực tuyến và dữ liệu người dùng dự kiến bắt đầu từ ngày 1/4/2020 sẽ đóng góp khoảng 540 triệu CAD (hơn 408 triệu USD) cho ngân sách Canada trong năm đầu tiên áp dụng chính sách này.

Vào tài khóa 2023-2024, số tiền thu được từ việc đóng thuế nói trên sẽ tăng lên mức khoảng 730 triệu CAD (hơn 551 triệu USD).

Bộ trưởng Di sản Steven Guilbeault cho biết Ottawa dự kiến sẽ triển khai chính sách áp thuế này trong thời gian sớm nhất có thể, song không nêu thời điểm chính xác.

Hồi tháng Bảy vừa qua, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số nhằm vào các "ông lớn" công nghệ và trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên áp dụng loại thuế này.

Theo đó, Pháp sẽ đánh thuế 3% đối với các công ty công nghệ có doanh thu trên 25 triệu euro (27,86 triệu USD) tại thị trường Pháp và 750 triệu USD (830 triệu USD) trên toàn cầu.

Việc đánh thuế nhằm vào tổng doanh thu thay vì lợi nhuận, bởi các doanh nghiệp thường kê khai lợi nhuận tại các "thiên đường thuế" thấp như Ireland hoặc Luxembourg để hưởng lợi cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục