Tại Canada, bất kỳ tòa nhà nào được đưa vào sử dụng đều phải trải qua công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy nghiêm ngặt.
Việc đảm bảo an toàn tránh hỏa hoạn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với các khu chung cư ở nước này để người dân yên tâm sinh sống.
Đối với chung cư Park Square, đơn vị quản lý tòa nhà thường tiến hành kiểm tra phòng cháy hai lần mỗi tháng.
Cuộc kiểm tra kéo dài trong khoảng 30 phút, trong đó nhân viên tòa nhà cũng sẽ đi thị sát khu vực xung quanh.
[Câu chuyện về những cầu thang thoát hiểm biểu tượng của New York]
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, ông Walter, cư dân tại chung cư Park Square, cho biết toàn bộ cư dân sẽ được thông báo trước về mỗi lần kiểm tra như vậy. Ngoài ra, người quản lý tòa nhà cũng thường xuyên ghé qua các căn hộ để kiểm tra các thiết bị bên trong và nhắc nhở mọi người thay pin cho thiết bị báo khói. Ông Walter nói: "Điều này tạo ra cảm giác thật an toàn."
Thông thường, trong mỗi tòa nhà chung cư ở Canada đều có một hệ thống kiểm soát phòng cháy, chữa cháy trung tâm. Hệ thống này sẽ kết nối với tất cả các thiết bị ở mỗi tầng. Hệ thống gồm camera, máy báo khói, chuông báo động, hệ thống phun nước, máy phát điện và đèn chiếu sáng khẩn cấp...
Hệ thống này luôn được bảo đảm hoạt động 24/24 và được kiểm tra định kỳ theo luật định. Trường hợp có sự cố bất thường, chủ tòa nhà hoặc bên vận hành sẽ liên hệ với nhà cung cấp hoặc lắp đặt để phối hợp xử lý.
Giải thích thêm về hệ thống trên, ông Terry Fantham, chủ công ty Professional Fire Protection - đơn vị thiết kế và lắp đặt hệ thống cảnh báo và phòng cháy chữa cháy ở Canada, cho biết trên bảng điều khiển trung tâm sẽ có 3 loại tín hiệu báo sự cố, bao gồm tín hiệu ngắt kết nối với căn hộ, tín hiệu giám sát liên quan tới việc vận hành tự động của các thiết bị và tín hiệu báo cháy cùng hệ thống phun nước.
Nhà cung cấp hay công ty lắp đặt sẽ phải đảm bảo kiểm tra định kỳ hằng tháng để các thiết bị luôn trong tình trạng hoạt động tốt.
Ngoài ra, bên vận hành tòa nhà cũng có nhân viên thực hiện kiểm tra theo tuần đối với các thiết bị đơn giản như đèn báo cháy, cửa và cầu thang thoát hiểm...
Hệ thống bình cứu hỏa sẽ do bên cung cấp chịu trách nhiệm kiểm tra hằng tháng, việc xúc nạp lại bình chữa cháy sẽ được thực hiện sau 3 năm và thay mới sau 6 năm.
Việc tuân thủ các quy tắc an toàn hỏa hoạn cũng như công tác kiểm tra phòng cháy, chữa cháy khu chung cư luôn được thực hiện nghiêm túc đối với tất cả các bên tham gia theo Luật Phòng cháy Chữa cháy. Về cơ bản, luật quy định các bên sẽ phải chịu trách nhiệm trong phạm vi quyền hạn của mình.
Cụ thể, Sở cứu hỏa sẽ thực hiện thanh tra định kỳ, trong khi công ty cung cấp hoặc lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy sẽ bảo đảm các thiết bị luôn trong tình trạng hoạt động tốt.
Chủ tòa nhà phải có nhiệm vụ phối hợp với tất cả các bên và đặc biệt là phải có kế hoạch an toàn phòng cháy phát cho từng hộ dân sinh sống trong tòa nhà để góp phần đảm bảo an toàn tối đa.
Trả lời phóng viên TTXVN tại Canada, Trợ lý Trưởng Trạm Cứu hỏa số 23, ông Shannon Suzuki cho biết một trong những điểm đầu tiên trong luật này là việc chủ sở hữu tòa nhà phải chịu trách nhiệm thực thi các quy định. Họ phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu về quy trình cứu hỏa và bắt buộc phải có kế hoạch an toàn phòng cháy đối với mỗi tòa nhà.
Các hệ thống cảnh báo, hệ thống thoát hiểm và hệ thống cứu hỏa phải được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo hoạt động tốt khi cơ quan chức năng tiến hành rà soát định kỳ hoặc đột xuất.
Theo các quy định, chủ sở hữu tòa nhà được yêu cầu phải có hệ thống phòng cháy chữa cháy được kiểm tra và giám sát định kỳ. Luật pháp cũng yêu cầu chủ tòa nhà phải lắp đặt các thiết bị giúp phát hiện nguy cơ cháy từ sớm như cảnh báo ròi rỉ khí gas và thiết bị báo khói trong mọi căn hộ và ở hành lang của từng tầng.
Bên cạnh đó, chủ tòa nhà cũng cần thường xuyên tổ chức diễn tập công tác phòng cháy chữa cháy cho nhân viên quản lý toàn nhà và kỹ năng thoát hiểm cho các cư dân sinh sống tại tòa nhà.
Các hoạt động diễn tập như vậy tăng cường kỹ năng cho nhân viên quản lý tòa nhà cũng như người dân sinh sống bên trong bởi một khi có sự cố xảy ra, họ sẽ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên.
Việc kiểm tra các hệ thống phòng cháy chữa cháy thông thường được giao cho những công ty tư nhân đã được đăng ký và có đủ năng lực. Thông thường những công ty này là nhà cung cấp và lắp đặt thiết bị phòng cháy chữa cháy cho tòa nhà.
Nhân viên của Sở cứu hỏa có nhiệm vụ thanh tra để chắc chắn rằng tất cả các yếu tố cũng như thiết bị trong hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy được lắp đặt, hoạt động và bảo dưỡng đúng theo quy định của luật.
Ông Suzuki chia sẻ Sở cứu hỏa thường kiểm tra các hệ thống báo khói, báo cháy, phun nước, máy phát điện và đèn chiếu sáng khẩn cấp. Đặc biệt là kiểm tra kỹ các vách ngăn chống cháy giữa các phòng, cửa chống cháy ngăn hành lang và cầu thang bộ để đảm bảo không có đồ đạc ngăn cản đường thoát hiểm.
Trường hợp có vi phạm, Sở cứu hỏa sẽ có thông báo và cho phép chủ tòa nhà có 30 ngày để khắc phục tất cả các sai phạm. Chủ tòa nhà sẽ đối mặt với án phạt hoặc ra tòa nếu không khắc phục những sai phạm.
Điểm nổi bật là tất cả các nguồn lực được tận dụng và khai thác tối đa cho công tác phòng cháy chữa cháy tại Canada theo luật định. Việc quy trách nhiệm cụ thể cho từng đối tượng trong quá trình tương tác giúp công tác này được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Có lẽ, nhờ việc đề cao luật pháp như vậy nên số vụ hỏa hoạn đối với nhà chung cư ở Canada đã được giảm thiểu và trong trường hợp xảy ra cháy gây thiệt hại hay thương vong thì mức độ thiệt hại cũng được hạn chế một cách tối đa./.