Ngày 21/7, Bộ trưởng Ngư nghiệp, Đại dương và Bảo vệ bờ biển của Canada Dominic LeBlanc đã công bố chương trình Khảo sát Bắc cực 2016 nhằm thu thập các thông tin khoa học quan trọng phục vụ cho kế hoạch đệ trình hồ sơ mở rộng thềm lục địa ở Bắc Băng Dương. Các nhà khoa học Đan Mạch và Thụy Điển cũng sẽ tham gia chương trình này.
Tàu phá băng CCGS Louis S. St-Laurent của Canada sẽ rời Dartmouth vào ngày 22/7 để tới Tromsø của Na Uy đón đoàn chuyên gia hỗn hợp của Bộ Tài nguyên Thiên nhiên; Bộ Các vấn đề toàn cầu và Bộ Ngư nghiệp, Đại dương và Bảo vệ bờ biển.
Dự kiến, tàu sẽ thực hiện cuộc thám hiểm kéo dài 6 tuần ở Bắc Băng Dương. Trên cung đường tàu di chuyển từ Canada tới Na Uy, nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Thủy văn Canada sẽ tiến hành thám hiểm vẽ bản đồ đáy biển theo đúng quy định của Liên minh Nghiên cứu Đại Tây Dương.
Đây sẽ là chuyến thám hiểm thứ 5 kiểu này với sự tham gia của cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Sau đó, các nhà thám hiểm trên tàu CCGS Louis S. St-Laurent sẽ thu thập dữ liệu ở vùng Canada Basin, phía Tây Bắc Băng Dương với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Mỹ.
Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), tất cả các quốc gia ven biển có thềm lục địa được xác định nằm trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở và được mở rộng ra ngoài 200 hải lý nếu thềm lục địa là phần kéo dài tự nhiên từ đất liền.
Trên thế giới hiện có 85 nước, trong đó có Canada, có thềm lục địa mở rộng.
Trước đó, hồi cuối năm 2013, Canada đã đệ trình hồ sơ xin mở rộng thềm lục địa ở Đại Tây Dương lên Ủy ban về ranh giới thềm lục địa. Canada có 3 mặt giáp đại dương gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương./.