Canada kêu gọi phối hợp toàn cầu để đối phó với nguy cơ khủng hoảng nợ

Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra sự bất bình đẳng kinh tế rõ rệt trong và giữa các quốc gia mà chỉ có thể giải quyết thông qua hợp tác quốc tế.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc họp báo tại Ottawa, ngày 18/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 29/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã lên tiếng kêu gọi các nước phối hợp hành động trên quy mô toàn cầu để đối phó với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ quốc tế do đại dịch COVID-19 gây ra.

Phát biểu tại một cuộc họp trực tuyến do Liên hợp quốc tổ chức ngày 29/3, Thủ tướng Trudeau nhận định đại dịch đã gây ra sự bất bình đẳng kinh tế rõ rệt trong và giữa các quốc gia mà chỉ có thể giải quyết thông qua hợp tác quốc tế.

Cuộc họp trực tuyến này do Thủ tướng Trudeau đồng chủ trì cùng Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Thủ tướng Jamaica Andrew Holness.

Liên hợp quốc cho rằng thế giới cần hành động khẩn cấp để hỗ trợ chính phủ ở các nước thu nhập thấp và trung bình có thể tiếp cận nguồn tiền mặt và giảm bớt gánh nặng nợ cho các nước này.

Kể từ khi đại dịch khởi phát đến nay, 6 quốc gia đang phát triển đã rơi vào tình trạng không trả được nợ, trong khi 42 nước khác bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Có một thống kê đáng chú ý là ít nhất 120 triệu người đã rơi vào cảnh nghèo cùng cực trong đại dịch.

[IMF cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn]

Cuộc họp ngày 29/3 diễn ra sau một loạt hội nghị bàn tròn diễn ra vào năm ngoái nhằm huy động các nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Các cuộc thảo luận tập trung vào yêu cầu cần "hành động mạnh mẽ và cụ thể hơn" để cung cấp thanh khoản và giải quyết tình trạng "dễ bị tổn thương" về nợ ở các nước đang phát triển.

Trong bài phát biểu khai mạc, ông Guiterres cho biết hơn 16.000 tỷ USD do các nước giàu chi tiêu cho các chương trình hỗ trợ khẩn cấp đã giúp các nền kinh tế này tránh được vòng xoáy đi xuống.

Trong khi đó, các nước kém phát triển nhất chi ít hơn 580 lần khi tính bình quân trên đầu người cho các biện pháp hỗ trợ người dân trong đại dịch. Ông Guterres cảnh báo rằng khủng hoảng tài chính đang rình rập ở nhiều nước kém phát triển nhất và có nguy cơ sẽ kìm hãm sự phục hồi kinh tế ở các nước này, làm chệch hướng các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và cả các mục tiêu trong Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi tạm hoãn thanh toán nợ, xóa nợ có mục tiêu và cải cách cấu trúc nợ quốc tế để tăng cường hỗ trợ các quốc gia có nhu cầu.

Thủ tướng Jamaica Holness cho biết nhiều nước nghèo đã phải hạn chế chi tiêu công để tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, ngay cả khi nhu cầu về dịch vụ y tế tăng lên.

Thủ tướng Holness cảnh báo rằng chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu không công bằng sẽ dẫn đến sự phục hồi kinh tế không đồng đều và gia tăng tình trạng nghèo đói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục