Ngày 16/7, Chính phủ Canada công bố dữ liệu chính thức cho thấy cháy rừng đã thiêu rụi khoảng 10 triệu ha trong năm nay - con số cao nhất từ trước đến nay và dự kiến sẽ còn tăng trong những tuần tới.
Diện tích thiệt hại lớn nhất do cháy rừng ghi nhận trước đó tại Canada là 7,3 triệu ha vào năm 1989.
Theo Trung tâm phòng chống cháy rừng liên ngành Canada (CIFFC), kể từ đầu năm đến nay tổng cộng 4.088 vụ cháy rừng đã bùng phát tại nước này, trong đó một số đám cháy thiêu rụi hàng trăm nghìn ha.
Nhiều đám cháy được coi là vượt ngoài tầm kiểm soát do quy mô và số lượng lớn các vụ cháy xảy ra cùng lúc.
Phần lớn các đám cháy này bùng phát trong khu vực rừng cách xa khu dân cư, song vẫn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường. Hơn 150.000 cư dân đã phải di dời do ảnh hưởng của cháy rừng.
[Tây Ban Nha: Cháy rừng tại đảo La Palma, hơn 2.500 người phải sơ tán]
Trao đổi với hãng tin AFP, nhà nghiên cứu Yan Boulanger của Bộ Tài nguyên thiên nhiên Canada cho biết cháy rừng đã tiếp diễn liên tục kể từ đầu tháng Năm vừa qua, diện tích thiệt hại trên thực tế nghiêm trọng hơn nhiều so với những dự đoán trước đó.
Đến ngày 15/7, khoảng 906 vụ hỏa hoạn vẫn đang tiếp diễn tại các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó khoảng 570 vụ được cho là nằm ngoài tầm kiểm soát.
Tâm điểm của các vụ cháy rừng cũng liên tục thay đổi trong những tháng gần đây. Vào tháng 5 vừa qua, khi Canada bắt đầu bước vào mùa khô với nguy cơ cháy rừng lớn, tỉnh Alberta, miền Tây Canada, trở thành tâm điểm với những đám cháy nghiêm trọng chưa từng thấy.
Vài tuần sau đó, tỉnh Nova Scotia vốn có khí hậu ôn hòa và thành phố Quebec ghi nhận những đám cháy lớn với khói bụi bao trùm, thậm chí ảnh hưởng nhiều khu vực tại nước Mỹ lân cận.
Kể từ đầu tháng Bảy này, tình trạng cháy rừng lại trở nên nghiêm trọng hơn ở tỉnh British Columbia; chỉ trong 3 ngày đã có hơn 250 đám cháy bùng phát, chủ yếu do sét đánh.
Hầu hết các khu vực tại Canada đang đối mặt hạn hán nghiêm trọng, với lượng mưa dưới mức trung bình trong nhiều tháng và nhiệt độ cao.
Các nhà khoa học cho biết, quốc gia này đang ấm lên nhanh hơn so với phần còn lại của Trái Đất do vị trí địa lý, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan với cường độ và tần suất gia tăng./.