Canada ghi nhận lượng khí CO2 cao kỷ lục do cháy rừng từ đầu năm

Hàng trăm vụ cháy rừng kể từ đầu tháng 5 năm nay ở Canada đã sản sinh ra gần 600 triệu tấn CO2, tương đương 88% lượng khí nhà kính của quốc gia này thải ra từ tất cả các nguồn trong năm 2021.
Canada ghi nhận lượng khí CO2 cao kỷ lục do cháy rừng từ đầu năm ảnh 1Cháy rừng ở Canada. (Nguồn: Reuters)

Ngày 27/6, các nhà khoa học Liên minh châu Âu (EU) cho biết các vụ cháy rừng hoành hành trên khắp Canada đã thải ra lượng khí carbon dioxit (CO2) trong 6 tháng đầu năm 2023 nhiều hơn so với bất kỳ mức nào từng ghi nhận trong các năm trước đây.

Theo số liệu của Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus (CAMS), hàng trăm vụ cháy rừng kể từ đầu tháng 5 năm nay đã sản sinh ra gần 600 triệu tấn CO2, tương đương 88% lượng khí nhà kính của quốc gia này thải ra từ tất cả các nguồn trong năm 2021. Đáng chú ý, hơn 50% trong số này được ghi nhận chỉ riêng trong tháng 6.

Tuyên bố của CAMS nhấn mạnh lượng khí thải từ các đám cháy rừng là nguồn phát thải hằng năm lớn nhất đối với Canada trong 21 năm qua kể từ khi cơ quan này tiến hành thu thập dữ liệu.

Trước đó, mức khí thải CO2 cao nhất do cháy rừng chỉ là 500 tấn, được ghi nhận vào năm 2014.

[Cháy rừng bùng phát tại Canada, 13.000 cư dân được yêu cầu sơ tán]

Trong khi đó, Trung tâm Chữa cháy rừng liên ngành của Canada cho biết tính đến ngày 27/6, lính cứu hỏa đang nỗ lực khống chế gần 500 đám cháy trên cả nước, trong đó hơn 50% nằm ngoài tầm kiểm soát.

Nhiệt độ cao cùng điều kiện khô nóng thường trực là nguyên nhân khiến các vụ cháy rừng tăng mạnh kể từ đầu tháng 5 năm nay tại miền Tây Canada.

Cháy rừng diễn biến phức tạp trong 50 ngày qua khi lan nhanh theo hướng Đông về các tỉnh Ontario, Nova Scotia và Quebec.

Nhà khoa học cao cấp Mark Parrington tại CAMS cho biết việc khói di chuyển trên phạm vi xa do tác động của gió không phải là bất thường và không gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng không khí tổng thể tại châu Âu. Tuy nhiên, điều này phản ảnh rõ mức độ nghiêm trọng của các đám cháy.

Theo công ty công nghệ IQAir của Thụy Sĩ, chất lượng không khí ở Montréal được xếp vào hàng kém nhất thế giới vào cuối tuần trước.

Trên toàn thế giới, chỉ riêng trong năm 2021, các vụ cháy rừng đã giải phóng khoảng 1,8 tỷ tấn CO2 vào khí quyển, so với mức khoảng 38 tỷ tấn khí thải dạng này từ các hoạt động nhiên liệu hóa thạch và công nghiệp.

Cùng ngày, Thống đốc bang New York (Mỹ) Kathy Hochul cảnh báo bầu trời mù khói và chất lượng không khí kém sẽ xuất hiện trở lại trong tuần này do khói từ các đám cháy rừng tại quốc gia láng giềng Canada, đồng thời nhận định đây là "cuộc khủng hoảng khẩn cấp."

Bang New York đã đưa ra khuyến cáo về chất lượng không khí khi chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức "không tốt cho sức khỏe" ở một số khu vực, trong đó có phía Tây và trung tâm bang này. Theo đó, khuyến nghị người có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người cao tuổi và các trường hợp có vấn đề về hô hấp cần tránh ra ngoài vào ngày 28/6.

Trước đó, đầu tháng 6, hiện tượng khói mù mịt và ô nhiễm gây ngứa họng từ các đám cháy ở Canada đã tràn xuống bờ biển phía Đông nước Mỹ, trong đó có thành phố New York và Philadelphia. Hơn 75 triệu người hiện được khuyến cáo thận trọng về chất lượng không khí suy giảm do cháy rừng./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục