Chính phủ Canada và các tổ chức công đoàn của nước này đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định ngày 27/9 của Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp thuế chống bán phá ở mức 220% đối với dòng máy bay CSeries do hãng Bombardier của Canada sản xuất.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ sự thất vọng trước quyết định này của Mỹ, đồng thời tuyên bố ông sẽ tiếp tục đấu tranh vì việc làm của người dân Canada. Nhà lãnh đạo Canada gọi mức thuế mà Mỹ áp đặt là mang tính bảo hộ.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết Canada kiên quyết phản đối các cuộc điều tra về áp thuế chống bán phá giá (của Mỹ) đối với máy bay dân dụng nhập khẩu từ Canada. Bà cho biết sẽ kêu gọi Bộ trưởng Ngoại thương Mỹ Wilbur Ross phản đối mức thuế này và bà sẽ thảo luận cách thức đối phó của Canada với người đồng cấp Anh. Dù mang thương hiệu của Canada, nhưng phần cánh của loại máy bay CSeries được chế tạo tại Bắc Ireland, mang lại việc làm cho hơn 4.000 lao động tại vùng lãnh thổ thuộc Anh này.
[Mỹ áp thuế chống phá giá 220% với dòng máy bay CSeries của Canada]
Thủ hiến tỉnh Quebec Philippe Couillard cho rằng bất đồng thương mại này là "nốt trầm" trong quan hệ Canada-Mỹ. Ông cho rằng Boeing - hãng kiện Bombardier - sẽ hối tiếc vì việc này, đồng thời cảnh báo quyết định áp thuế cũng sẽ tác động tới nền kinh tế cũng như người lao động Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Unifor, tổ chức công đoàn lớn nhất Canada, Jerry Diaz cho rằng nếu Mỹ muốn một cuộc chiến thương mại thì Canada sẽ không lùi bước đồng và cuối cùng Ottawa sẽ buộc phải tiến hành trả đũa.
Cùng ngày, hãng Bombardier gọi mức thuế Mỹ áp đặt là "nực cười" và xa rời thực tế về hoạt động tài trợ hàng tỷ USD vào các chương trình chế tạo máy bay.
Trước đó, Boeing đã đệ đơn kiện Bombardier với cáo buộc rằng nhà sản xuất máy bay của Canada bán phá giá dòng máy bay CSeries dưới mức giá thành sản xuất sau khi nhận được khoản hỗ trợ hơn 3 tỷ USD của chính phủ.
Theo Boeing, Bombardier đã bán 75 máy bay dòng CS100 cho hãng Delta Airlines của Mỹ với mức giá 19,6 triệu USD/máy bay, mức giá này được cho là thấp hơn nhiều so với con số 33,2 triệu USD chi phí sản xuất máy bay. Với mức thuế mà Washington áp đặt bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018, chi phí của mỗi máy bay trên lý thuyết sẽ lên tới hơn 60 triệu USD/chiếc./.