Canada cân nhắc việc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ

Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố Canada chưa quyết định thay đổi việc không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Canada cân nhắc việc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Canada không thay đổi quan điểm về việc không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ mà chỉ đang xem xét lại vị trí trước những biến động toàn cầu.

Thủ tướng Canada Stephen Harper tuyên bố như vậy ngày 5/6 trong hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tổ chức tại Brussels, Bỉ.

Phát biểu cuối hội nghị chủ yếu xoay quanh vấn đề Ukraine, Thủ tướng Harper cho biết Canada thường xuyên đánh giá các chính sách quốc phòng, trong đó có việc tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Theo ông Harper, quyết định năm 2005 không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được đưa ra dựa trên đánh giá tình hình quá khứ, tuy nhiên, những biến động đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới khiến Canada phải đánh giá các quyết sách.

Thủ tướng Harper khẳng định bất kỳ quyết định nào của Ottawa cũng vì lợi ích an toàn an ninh tốt nhất cho người Canada. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo bảo thủ này cho biết ở thời điểm hiện tại, Canada chưa quyết định thay đổi việc không tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa.

Những người ủng hộ hệ thống này đã hoan nghênh tuyên bố trên của Thủ tướng Harper và cho biết đã có những cuộc thảo luận tích cực giữa giới chức Mỹ và Canada về việc nước này tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Washington.

Canada có thể đầu tư khoảng 100 triệu USD để gia nhập hệ thống này hoặc cung cấp radar và những thiết bị cảnh báo sớm cho những con tàu mới nhằm tăng khả năng phát hiện các tên lửa bay vào bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Năm 2005, dưới thời Thủ tướng Paul Martin, Canada đã kiên quyết không tham gia hệ thống chống tên lửa. Động thái này đã khiến quan hệ của Mỹ và Canada phủ bóng đen dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush.

Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và vẫn chưa hoàn thiện cơ chế an toàn tự động, tuy nhiên những người ủng hộ cho rằng hệ thống này là cần thiết để chống lại các mối đe dọa có thể đến từ Triều Tiên hoặc Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục