“Cần xem xét, quyết định cơ chế chính sách đặc biệt với đường sắt tốc độ cao”

Theo đại biểu Lê Hoàng Anh, Quốc hội cần xem xét, quyết định cơ chế chính sách đặc biệt, vượt trội, có thể khác luật thì mới có thể triển khai dự án, sớm đưa vào vận hành như mục tiêu đề ra. 

Phương án thiết kế sơ bộ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Phương án thiết kế sơ bộ Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã có nhiều ý kiến kết luận về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; trong đó, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10, khóa XIII đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350km/h và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định thông qua chủ trương, một số cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực, thủ tục đầu tư dự án.

Xung quanh về Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) đã có những chia sẻ về vấn đề này.

-Ý kiến của ông khi Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam được đưa ra quyết định trong kỳ họp này như thế nào?

Đại biểu Lê Hoàng Anh: Chính phủ trình chủ trương xây dựng Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam vào thời điểm này theo tôi là hợp lý. Bởi qua các báo cáo đưa ra tại Quốc hội cho thấy quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đạt hơn 400 tỉ USD, lớn hơn rất nhiều so với năm 2010 - khi Chính phủ trình lần đầu trong bối cảnh nguồn lực đầu tư trong bối cảnh quy mô nền kinh tế tại thời điểm năm 2010 thấp.

Trong nhiều năm qua, chúng ta đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông nhưng chưa đầu tư vào đường sắt. Bởi vậy, đường sắt của Việt Nam đã lạc hậu, khả năng vận chuyển thấp.

Đến nay, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với hồ sơ Chính phủ trình đã đầy đủ, có đánh giá hiện trạng trong nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tiếp thu ý kiến chuyên gia. Tổng đầu tư dự kiến 67,4 tỉ USD, đạt 114% tổng ngân sách Trung ương dành cho đầu tư công trung hạn của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025 và khoảng 59% tổng ngân sách của trung ương và địa phương cho kỳ trung hạn 2021-2025. Con số này rất lớn.

dai bieu hoang anh.jpg
Đại biểu Lê Hoàng Anh, đoàn Gia Lai. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Nhìn rộng ra chúng ta sẽ thấy trong lịch sử đầu tư công chưa có dự án nào đạt tổng mức đầu tư này. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư này xây dựng trên các yếu tố còn có thể biến động, Chính phủ trình cũng mang tính chất dự kiến.

- Dự án với nguồn vốn lớn nhất như vậy, ông có cho rằng chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ các khâu liên quan đến tài chính?

Đại biểu Lê Hoàng Anh: Dự án này có tổng mức đầu tư rất lớn. Chính vì vậy, khả năng thu xếp nguồn vốn triển khai dự án là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm. Chúng ta phải bám sát Nghị quyết của Bộ Chính trị về kiểm soát tham nhũng.

Đặc biệt, trong vấn đề về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có quy định việc quyết định đầu tư dự án phải đúng thẩm quyền, rõ về nguồn vốn. Điểm này chúng ta phải làm rõ để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.

-Đối với Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam, theo đại biểu khi triển khai chúng ta cần có sự chuẩn bị như thế nào để đạt được hiệu quả?

Đại biểu Lê Hoàng Anh: Việt Nam cũng chưa có kinh nghiệm làm đường sắt tốc độ cao, chưa có ngành công nghiệp đường sắt. Đây cũng là dự án phức tạp về công nghệ, đòi hỏi nhân lực chất lượng cao nên quá trình chuẩn bị đầu tư phải làm kỹ lưỡng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, các nước thường chuẩn bị đầu tư rất lâu, giải ngân rất nhanh.

Ở Việt Nam thì ngược lại - chuẩn bị đầu tư ngắn, giải ngân rất lâu. Năm 2024, tốc độ giải ngân 9 tháng đầu năm chưa quá 50%. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là yếu kém trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Chính quyết tâm triển khai dự án này trong vòng 10 năm. Quá trình chuẩn bị nếu như bắt đầu triển khai vào năm 2027 thì công tác chuẩn bị đầu tư có 2 năm, chúng ta cần phải cân nhắc.

Cùng với chủ trương đầu tư, Chính phủ trình kèm theo 19 chính sách đặc thù, đặc biệt. Theo quan điểm của tôi, Quốc hội cần xem xét, quyết định cơ chế chính sách đặc biệt, vượt trội, có thể khác luật thì mới có thể triển khai dự án, sớm đưa vào vận hành như mục tiêu đề ra.

Theo tôi, việc đặt ra thời gian phải hợp lý, khoa học, để tránh tăng tổng mức đầu tư và một số vấn đề khác đảm bảo an toàn nợ công, thu xếp nguồn vốn. Bởi trong giai đoạn này chúng ta không chỉ đầu tư riêng dự án này mà còn nhiều dự án như đường bộ cao tốc, các lĩnh vực đầu tư công khác thuộc giáo dục, y tế, đổi mới sáng tạo...

Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục