Ngày 19/12, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức với sự tham gia của các đơn vị liên quan, huấn luyện viên, vận động viên, chuyên gia về bóng đá.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Cùng với kết quả đã đạt được, ngành Thể thao cần thẳng thắng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, thách thức đặt ra trong qua trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như: kinh nghiệm triển khai Chiến lược, hệ thống cơ sở vật chất, sân bãi bóng đá trong cả nước còn ít; công tác tổ chức giải trong hệ thống thi đấu bóng đá quốc gia còn yếu kém; công tác trọng tài còn bất cập...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần trân trọng những thành quả mà bóng đá Việt Nam đã đạt được với sự nỗ lực của các đội tuyển, sự hỗ trợ tích cực của các bên liên quan.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Cần phải nỗ lực hơn nữa bởi tiềm năng bóng đá ở Việt Nam còn rất lớn. Muốn bóng đá trong nước phát triển bền vững cần phải xây dựng được một nền bóng đá sạch và đẹp, trong đó chú trọng đến công tác trọng tài, nói không với tiêu cực để tạo niềm tin cho công chúng, người hâm mộ. Theo Phó Thủ tướng, phát triển một nền bóng đá đẹp, trung thực, chính xác không phải là một việc duy ý chí, cần có lộ trình, cơ bản theo quy luật phát triển của thế giới từ bóng đá phong trào, bóng đá trẻ rồi đến giải đấu chuyên nghiệp, cấp độ đội tuyển. Đào tạo cầu thủ không chỉ về kỹ chiến thuật, mà cả đạo đức, văn hóa, đến chế độ tập luyện, dinh dưỡng...
[Tổng kết và trao các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam năm 2017]
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức một cuộc đối thoại thẳng thắn, ghi nhận đầy đủ, trao đổi cởi mở về những vấn đề của bóng đá Việt Nam, từ đó xác định hướng đi thực hiện các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Bóng đá là một trong những môn thể thao sớm được du nhập vào Việt Nam. Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, bóng đá đã trở thành môn thể thao phổ cập, đón nhận sự quan tâm rộng rãi của toàn xã hội. Bên cạnh việc nâng cao sức khỏe thể chất và văn hóa tinh thần cho nhân dân, bóng đá còn là phương tiện hữu hiệu góp phần tăng cường giao lưu, xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giữa các tầng lớp nhân dân...
Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm gần đây, cơ sở vật chất dành cho bóng đá được đầu tư mạnh mẽ từ nguồn lực xã hội hóa, hình thành hệ thống thi đấu bóng đá phong trào.
Hiện cả nước có 15.000 sân bóng đá, trên 4.000 câu lạc bộ bóng đá phong trào. Hệ thống tuyển chọn, đào tạo vận động viên bóng đá và nâng cao chất lượng, thành tích các đội tuyển bóng đá quốc gia tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, đạt được một số thành tích nhất định. Đối với bóng đá chuyên nghiệp, cả nước có trên 55 câu lạc bộ đỉnh cao đang dần được hoàn thiện, bước đầu mở rộng số lượng, nâng cao chất lượng...
Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để phát triển bóng đá Việt Nam.
Sau 4 năm triển khai thực hiện Chiến lược, bóng đá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Phong trào tập luyện và thi đấu bóng đá phát triển rộng rãi; cơ sở vật chất, sân bãi tập luyện được tăng cường. Nhiều câu lạc bộ, trung tâm tập luyện, đào tạo bóng đá trẻ được thành lập; xã hội hóa bóng đá từng bước được đẩy mạnh, thu hút được nhiều nguồn lực để phát triển. Hợp tác quốc tế về bóng đá được mở rộng. Thành tích của các đội tuyển trẻ, đội tuyển nữ có nhiều tiến bộ...
Tuy nhiên, nhiều mục tiêu trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam chưa đạt được do nhiều hạn chế, yếu kém: Bộ máy quản lý Nhà nước về bóng đá từ Trung ương đến địa phương còn yếu, lúng túng trong đổi mới, nâng cao năng lực hiệu quả quản lý hoạt động. Công tác tổ chức các giải thi đấu bóng đá bị ảnh hưởng bởi các hành vi tiêu cực, bạo lực, hành xử thiếu văn hóa của một bộ phận cán bộ quản lý, vận động viên, huấn luyện viên; lúng túng trong xử lý vi phạm... Bệnh thành tích, coi trọng kết quả ngắn hạn còn phổ biến. Bóng đá đỉnh cao và đội tuyển quốc gia còn nhiều hạn chế, thành tích không ổn định, còn thấp so với châu lục, lực lượng vận động viên còn mỏng.../.