Cần ưu tiên vấn đề đạo đức khi tuyển dụng vị trí việc làm liên quan AI

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các chủ sử dụng lao động dành rất ít sự quan tâm cho vấn đề đạo đức AI trong khâu tuyển dụng.
Cần ưu tiên vấn đề đạo đức khi tuyển dụng vị trí việc làm liên quan AI ảnh 1Ở phần lớn các quốc gia, chưa đến 1% các vị trí việc làm cần tuyển dụng có đề cấp tới các từ khóa liên quan đạo đức AI. (Nguồn: Reuters)

Dù ngày càng nhiều người lo ngại về những nguy cơ đạo đức do các ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo (AI) đang nở rộ gây ra nhưng các chủ sử dụng lao động lại dành rất ít sự quan tâm cho vấn đề này trong khâu tuyển dụng.

Đây là kết quả báo cáo mới được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố ngày 6/11.

Để phục vụ báo cáo kỹ năng việc làm thường niên, OECD đã khảo sát các thông tin tuyển dụng việc làm trực tuyến cho các vị trí việc làm có liên quan AI tại 14 quốc gia.

[Elon Musk: AI là một trong những mối đe dọa lớn nhất với nhân loại]

Kết quả chỉ ra tỷ lệ phần trăm các thông tin tuyển dụng chứa từ khóa liên quan "đạo đức" dù đã tăng mạnh trong 4 năm qua nhưng vẫn ở mức rất thấp, trung bình 0,4% năm 2022.

Các kết quả cho thấy ở phần lớn các quốc gia, chưa đến 1% các vị trí việc làm cần tuyển dụng có đề cấp tới các từ khóa liên quan đạo đức AI.

Năm 2019, ở Mỹ chỉ có 0,1% số bài đăng tuyển dụng trực tuyến các vị trí việc làm AI có đề cập tới từ khóa liên quan đạo đức.

Đây là những vị trí việc làm yêu cầu người lao động có triển vọng, sở hữu những kỹ năng liên quan phát triển và sử dụng AI. Con số này tăng lên 0,5% trong năm 2022.

Theo báo cáo, thực tế cho thấy dù các nước đã cam kết mạnh mẽ và các công ty phát triển AI cũng đã đưa ra các dự định nhưng vấn đề đạo đức AI vẫn chưa được ưu tiên trong các quyết định tuyển dụng. Báo cáo nhấn mạnh đây là vấn đề cần được ưu tiên.

Sau khi ChatGPT và các hệ thống AI tạo sinh được tung ra, dư luận đã rất quan tâm và phần nào nhận thấy tiềm năng của công nghệ này.

Những hệ thống mới này có thể nhanh chóng sản xuất văn bản, hình ảnh và âm thanh từ những câu lệnh đơn giản trong mỗi loại ngôn ngữ nhưng cũng kéo theo lo ngại về nhiều vấn đề từ tình trạng mất việc làm đến tấn công mạng và khả năng con người có thể thực sự kiểm soát những hệ thống này.

Tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn AI, quy tụ đại diện các chính phủ và lãnh đạo các công ty công nghệ hàng đầu.

Trước hội nghị, các lãnh đạo Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7) cũng đã nhất trí một bộ quy tắc ứng xử không ràng buộc với các công ty phát triển những hệ thống AI tiên tiến nhất.

Tuy nhiên, các chính phủ vẫn đang bị động theo sau trong việc quản lý công nghệ đang phát triển nhanh chóng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục