Cần ưu tiên nguồn lực ứng phó do hoàn lưu bão vẫn tiếp tục gây mưa lớn

Các địa phương cần sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân và ưu tiên nguồn lực hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; dọn dẹp vệ sinh; khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin.

Nước sông Thương chảy qua địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn dâng cao, đục ngầu, chảy rất mạnh. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)
Nước sông Thương chảy qua địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn dâng cao, đục ngầu, chảy rất mạnh. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Báo cáo mới nhất về công tác phòng, chống thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết hiện nay bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi đến 350mm.

Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển, do vẫn còn sóng to, gió lớn nên tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi chưa đảm bảo an toàn.

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai lưu ý cần triển khai tất cả các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các tầu thuyền bị đứt neo trôi dạt và người còn mất tích trên biển; tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương do thiên tai.

Các địa phương tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Trong thời gian sau bão, các địa phương ưu tiên nguồn lực hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học; dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão; tập trung khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin... để sớm cung cấp điện phục vụ tiêu úng và sinh hoạt của người dân.

Các địa phương vùng đồng bằng, ven biển tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thuỷ lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa mầu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão; tập trung vận hành tiêu úng cho các khu vực đô thị, khu công nghiệp và vùng trũng thấp.

ttxvn_phu_tho_no_luc_khac_phuc_hau_qua_bao_so_3_7580582.jpg
Lực lượng Công an đã phối hợp cùng lực lượng các xã di dời 179 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ. (Ảnh: TTXVN phát)

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai khuyến cáo các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Các địa phương miền núi phía Bắc cần tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Các địa phương tiếp tục kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Trong thời gian này, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương miền núi phía Bắc tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu./.

Theo dự báo, 4h ngày 9/9, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc vào khu vực Thượng Lào và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hoá: Từ sáng ngày 8/9 đến sáng ngày 9/9 có mưa vừa, cục bộ có nơi mưa to đến rất to và dông từ 20-50mm, có nơi trên 100mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to từ 50-100mm, cục bộ có nơi trên 200mm.

Phía Tây Bắc Bộ: Từ sáng ngày 8/9 đến sáng 9/9 có mưa to đến rất to phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục