Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều 5/6, thảo luận ở tổ về dự án Luật Tài nguyên Nước (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội thống nhất với việc sửa đổi Luật nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước hiện nay; đổi mới, hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý tài nguyên nước; khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước; đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn ở lưu vực sông.
Đại biểu Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng dự án Luật đã được Chính phủ chuẩn bị công phu, có tiếp thu kinh nghiệm quốc tế. Việc sửa đổi Luật là kịp thời, đúng thời điểm xu thế cuộc sống hiện nay cũng như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước. Nội dung sửa đổi tương đối toàn diện, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, bất cập hiện nay.
Đại biểu cho rằng cần có công cụ quản lý tài nguyên nước ở lưu vực sông; đề nghị bổ sung trách nhiệm của các bộ, ngành, tổ chức lưu vực sông và các bên liên quan trong xác định dòng chảy tối thiểu. Bên cạnh đó, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quy định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức lưu vực sông, đặc biệt là chức năng về điều tra, đánh giá trữ lượng nước, lập quy hoạch; điều hòa khai thác, sử dụng nước; giám sát khai thác, sử dụng nước, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái… để nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước lưu vực sông.
Phát biểu tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm phương pháp sửa đổi luật vẫn chưa có tư duy mới, vẫn còn một số mâu thuẫn về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ ngay trong dự thảo Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu thực tế tài nguyên nước không chỉ liên quan đến đơn ngành mà là đa ngành tổng hợp, nhưng tư duy xây dựng luật chưa đề cập đến vấn đề này. So với thế giới, Việt Nam có nguồn tài nguyên nước phong phú nhưng phân bố không đều về mặt lãnh thổ và thời gian; vẫn còn tình trạng sử dụng lãng phí, khai thác quá mức, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước…. Những vấn đề này cần được đặt ra trong luật. Dự thảo Luật cũng chưa có quy định cụ thể về tái tạo sử dụng nguồn nước, trong đó có nước thải, đây cũng là một loại tài nguyên.
[Có tình trạng sở hữu chéo, vi phạm luật ở thị trường ngân hàng]
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc sửa đổi luật không chỉ nêu vấn đề quản lý, cần có tư duy và tầm nhìn mới về vấn đề này.
Nhất trí với quy định về chức năng của nguồn nước, đại biểu Lý Thị Lan (Hà Giang) cho rằng đây sẽ là căn cứ quan trọng và rất cần thiết khi xem xét, quyết định việc chấp thuận, phê duyệt, cấp phép cho một dự án có hoạt động khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước trên một đoạn sông.
Đây cũng là căn cứ quan trọng để xem xét việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước; lựa chọn các giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; hạn chế được việc dàn trải nguồn vốn đầu tư cũng như tập trung nguồn lực vào bảo vệ các nguồn nước quan trọng.
Đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm “phát triển tài nguyên nước” tại Điều 3 dự thảo Luật, bởi để phát triển tài nguyên nước, ngoài việc bảo vệ phát triển rừng-nguồn sinh thủy, còn cần phải bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là các hồ chứa nước lớn, quan trọng; cần xây dựng các công trình chứa nước phục vụ đa mục tiêu, các công trình bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
Ngoài ra còn cần giải pháp bảo đảm gắn kết quy hoạch tài nguyên nước với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định các chính sách liên quan đến phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng nước ở các địa phương hạ nguồn để chi trả cho các địa phương thượng nguồn trong bảo vệ, phát triển rừng, vùng sinh thủy.
Dự thảo Luật cần giao trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc sửa đổi mức chi trả bảo vệ phát triển rừng nhằm khuyến khích người dân ở các địa phương thượng nguồn tham gia bảo vệ rừng. Đồng thời, cần quy định khuyến khích các địa phương có cơ chế chuyển đổi quy hoạch rừng sản xuất sang quy hoạch rừng phòng hộ ở những khu vực có nguồn nước để bảo vệ, phát triển và phục hồi nguồn nước.
Bên cạnh việc duy trì tối đa hóa nguồn thu hiện có từ chi trả môi trường rừng, đại biểu Lý Thị Lan đề xuất có chiến lược để đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn phục vụ công tác bảo vệ, phát triển nguồn sinh thủy.
Đại biểu cho rằng thay vì chi trả dịch vụ môi trường rừng theo diện tích rừng, có thể nghiên cứu sử dụng khoảng 15-20% từ quỹ chi trả môi trường rừng để điều phối lại việc phát triển, bảo vệ nguồn sinh thủy trên toàn quốc; đưa nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng thành nguồn tài chính ổn định cho việc bảo vệ và phát triển tài nguyên nước, như vậy sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) đánh giá dự thảo Luật quy định rất nhiều nội dung về quy hoạch nhưng một số nội dung đã được đề cập trong Luật Quy hoạch, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật liên quan đến quy hoạch. Do vậy, Ban soạn thảo cần rà soát rất kỹ để tránh nhầm lẫn, lược bỏ những quy định đã được nêu tại các luật trên.
Về chức năng quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, đánh giá đây là vấn đề khó khăn nhất vì theo nguyên tắc quản lý nước là quản lý theo lưu vực, tức là quản lý tổng hợp, đại biểu Lê Thành Long đề nghị phân định rõ chức năng quản lý của các bộ, ngành; cụ thể là phân định trách nhiệm của chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng.
Đại biểu cũng đề nghị rà soát kỹ về điều khoản thi hành để đảm bảo đủ thời gian thực hiện chuyển tiếp, tránh xung đột pháp luật./.