Cần trợ lực cho báo chí để phát huy sức mạnh ‘vaccine tinh thần’

Các cơ quan báo chí kiến nghị rằng Nhà nước cần phải coi báo chí như một loại hàng hóa đặc biệt, một sản phẩm thiết yếu để sớm có chính sách hỗ trợ.
Lãnh đạo Nhà nước đã có sự ghi nhận nỗ lực của các nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài. (Ảnh: TTXVN)

Trong thư gửi lực lượng tuyến đầu, cùng với y tế, quân đội, công an, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã biểu dương và đánh giá rất cao “những anh chị em nhà báo không ngại lây lan, hiểm nguy vào giữa tâm dịch để viết tin, bài.”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cũng đã đánh giá cao vai trò báo chí trong việc truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ các thông tin về dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch. Theo Phó Thủ tướng, báo chí là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp.

Báo chí là sản phẩm thiết yếu

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng gần 2 năm qua, toàn diện cuộc chiến chống COVID-19 đã được các cơ quan báo chí truyền tải một cách chính xác và xúc động.

“Một số nhà báo làm nhiệm vụ không may trở thành F0, rất nhiều nhà báo vẫn ngày ngày gạt đi những lo sợ về dịch bệnh để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó chứng tỏ tinh thần chiến đấu và cống hiến rất cao của những người làm báo,” ông bày tỏ.

Theo ông Hồ Quang Lợi, việc báo chí cung cấp thông tin kịp thời, chính thống, chính xác, tin cậy sẽ là sức mạnh quét sạch tin giả, tin xấu tràn lan trên các mạng xã hội. Báo chí đang góp phần quan trọng xây đắp niềm tin xã hội ở những thời khắc đầy thử thách cam go này. Đó là “vaccine tinh thần” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Do đó, ông khẳng định rằng báo chí là sản phẩm thiết yếu trong giãn cách xã hội.

Chia sẻ về những khó khăn của tòa soạn, ông Lê Xuân Thành, Tổng biên tập Báo Thể thao Văn hóa cho rằng thể thao và văn hóa là hai lĩnh vực bị hạn chế đầu tiên khi xã hội phải siết chặt các biện pháp phòng dịch, do đó tờ báo "đói" sự kiện để thu hút công chúng.

“Những khó khăn khách quan về thông tin khiến cho sức hút của báo giảm mạnh, dẫn tới nguồn thu giảm,” nhà báo Lê Xuân Thành bày tỏ.

Tổng biên tập Báo Thể thao&Văn hóa Lê Xuân Thành. (Ảnh: TTXVN)

Báo Thể thao Văn hóa đã linh hoạt thay đổi trong tư duy và triển khai thông tin, tập trung vào tuyến bài sâu, chất lượng cùng cách thể hiện mới lạ, độc đáo. Chẳng hạn, từ tháng 4/2021, báo mở mục “Nhạc Việt ngày nay,” mời các cây bút phê bình am tường về âm nhạc đảm nhận.  

[Chính sách hỗ trợ của Chính phủ: Bao giờ gọi tên cơ quan báo chí?]

Tổng biên tập cho rằng đứng trước khó khăn, các phóng viên, biên tập viên vẫn luôn sáng tạo, cống hiến hết mình, có ý thức trách nhiệm xã hội rất cao và rất đáng tự hào.

“Đâu đó vẫn có những người cầm bút có thái độ tiêu cực đối với xã hội, hay lên mạng phàn nàn về hoàn cảnh dịch bệnh, thì trái lại, những người làm báo Thể thao Văn hóa có cái nhìn cảm thông, chia sẻ với xã hội. Ban lãnh đạo cũng nỗ lực đảm bảo giữ vững thu nhập theo năng suất lao động, nhuận bút cho tất cả các cán bộ nhân viên làm tốt nhiệm vụ của mình trong thời gian dịch bệnh,” Tổng biên tập Lê Xuân Thành cho biết.

Báo Thể thao Văn hóa không chỉ hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền mà vẫn duy trì đăng cai, tổ chức những cuộc thi uy tín như Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến, Giải thưởng Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội, Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn... Tổng biên tập Lê Xuân Thành cho rằng đó là nỗ lực to lớn của tờ báo để không bị "đứt mạch" những giải thưởng thường niên.

“Chúng tôi tin rằng trong khi đời sống văn hóa đóng băng bởi đại dịch thì việc cố gắng duy trì giải thưởng giống như là tinh thần kiên quyết không rời bỏ trận địa văn hóa, bằng mọi cách phải nhen lên ngọn lửa ấm để động viên các văn nghệ sỹ vẫn kiên trì sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn,” ông tâm sự.

Nỗ lực là vậy nhưng Báo Thể thao Văn hóa cũng như các cơ quan báo chí vẫn luôn đứng trước áp lực là kinh phí. Họ rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để có thể duy trì vai trò là một sản phẩm thiết yếu trong thời kỳ giãn cách xã hội.

Cần đưa báo chí vào danh sách hỗ trợ

Nói về việc Báo Thanh Niên tạm ngừng phát hành báo in, ông Hổ Quang Lợi cho rằng nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là báo in, đang đứng trước khó khăn rất lớn, nguyên nhân trực tiếp có thể nhìn thấy rõ là do giãn cách xã hội kéo dài khiến hệ thống phát hành khó hoạt động, không thể đưa báo đến tay bạn đọc.

“Báo chí đang rất cần được hỗ trợ không chỉ về mặt tài chính mà còn cần các điều kiện, phương diện khác nữa để nhanh chóng vượt qua được khó khăn hiện nay; trong đó vấn đề nổi cộm nhất là tự chủ tài chính, cân đối thu chi,” ông Lợi nói. 

Xuất phát từ nguyện vọng, đề xuất của nhiều cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi các cấp có thẩm quyền nhằm đề xuất, kiến nghị để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí để vượt qua khó khăn do dịch bệnh mang lại.

Nhiều nhà báo vẫn ngày ngày gạt đi những lo sợ về dịch bệnh để nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. (Ảnh: TTXVN)

Tổng biên tập Báo Thể thao Văn hóa Lê Xuân Thành rất tán đồng kiến nghị của Hội Nhà báo Việt Nam: “Dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới kết thúc, ‘chiến dịch hãy còn dài’ nên chúng tôi yêu cầu các cán bộ nhân viên phải thực hiện ‘mục tiêu kép’: Vừa làm báo tốt vừa chăm sóc gia đình và bản thân thật tốt. Để có thể làm được điều này, các cơ quan báo chí rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.”

Trong khi đó, Tổng biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn khẳng định việc đưa báo chí vào đối tượng được hỗ trợ khó khăn do COVID-19 là rất đúng và cần thiết. Bởi bịch bệnh đã và đang gây những khó khăn toàn diện cho báo chí, nhất là báo in.

Ông phân tích rằng nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, nên nhu cầu quảng bá thương hiệu, sản phẩm trên báo chí giảm mạnh. Ngoài ra, nhiều ấn phẩm phải dừng xuất bản vì giãn cách xã hội...

"Nếu không có hỗ trợ, hầu hết các cơ quan báo chí đều gặp khó khăn, thậm chí có cơ quan đứng trước vấn đề liệu có thể tiếp tục tồn tại hay không,” ông Sơn chia sẻ.

Các cơ quan báo chí cho rằng Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặc thù bởi ngay cả việc miễn, giảm thuế được áp dụng, cũng không hẳn tất cả các cơ quan báo chí đều thực sự được thụ hưởng. Trên thực tế, chỉ những cơ quan báo chí có nguồn thu và doanh số đáng kể mới có thể thụ hưởng, còn những cơ quan báo chí không có nguồn thu thì cũng không nộp thuế.

Các cơ chế hỗ trợ đặc thù này bao gồm việc cho các cơ quan báo chí được vay ưu đãi lãi suất 0%, hoặc lãi suất thấp, phù hợp điều kiện của các cơ quan báo chí để trả lương và duy trì hoạt động; trợ cấp trực tiếp cho đội ngũ phóng viên tác nghiệp trên tuyến đầu chống dịch như các lực lượng trên tuyến đầu khác…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục