Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 là một trong những dự án đầu tư thuộc danh mục công trình trọng điểm có ý nghĩa quan trọng cho giao thông Thủ đô Hà Nội được thông xe sáng 5/10.
Đây là công trình được kỳ vọng sẽ giải tỏa ách tắc giao thông tại điểm đen ùn tắc giao thông - đường Lê Văn Lương.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi thông xe đã xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực hầm.
“Lưu lượng giao thông trên tuyến đường này rất lớn, lại đang khung giờ cao điểm, phương tiện đổ vào hầm rất đông nên xảy ra ùn tắc kéo dài. Tôi nghĩ, ngành chức năng cần nghiên cứu điểu tiết lại giao thông khu vực này để tránh xảy ra ùn tắc trong hầm,” anh Nguyễn Long, lái xe Grab bày tỏ.
[Hà Nội chính thức khánh thành hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3]
Một số người tỏ ra thất vọng khi hầm vừa thông xe đã ùn tắc. “Phấn khởi vì hầm vừa thông xe, tôi chạy xe vào nhưng loay hoay gần chục phút mới thoát ra được vì xe cộ đổ vào hầm đông quá. Lần tới chắc tôi không dại chui xuống hầm để tránh muộn giờ lên lớp," chị Phương Minh, Khu đô thị Ngoại giao đoàn, chia sẻ.
Hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3 là công trình hầm đường bộ cấp 2, tải trọng thiết kế HL 93, tĩnh không thông xe dưới hầm 4,75m.
Sau lễ thông xe, theo phương án phân luồng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, phương tiện được đi hai chiều trên nút giao hầm chui Lê Văn Lương - vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại.
Phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến (vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu mà phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại hai điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu.
Xe thô sơ, người đi bộ, phương tiện cao quá 4,75m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương. Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT qua đoạn đường này cũng được khôi phục theo hiện trạng trước khi thi công hầm chui.
Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội giao Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, tư vấn thiết kế và đơn vị nhà thầu, kiểm tra, hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ hướng dẫn điều hành giao thông thuộc phạm vi thực hiện dự án bao gồm: mặt đường, vỉa hè, đảo giao thông, đèn tín hiệu giao thông, dải phân cách, biển báo, sơn kẻ tổ chức giao thông...
Đồng thời, đơn vị cần hoàn thiện đầy đủ hồ sơ của dự án theo đúng quy định và trình Sở Giao thông Vận tải xem xét và ra thông báo tổ chức giao thông chính thức.
Phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố trong việc theo dõi, rà soát, điều chỉnh, bổ sung kịp thời hệ thống biển báo, sơn kẻ, pha đèn tín hiệu giao thông, xén hè mở rộng mặt đường, xén dải phân cách giữa... đảm bảo hướng dẫn giao thông thuận tiện và an toàn giao thông sau khi thông hầm tại khu vực trung tâm nút giao Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến, Lê Văn Lương-Hoàng Đạo Thúy, Tố Hữu-Lương Thế Vinh và các nút giao lân cận.
Trung tâm quản lý giao thông công cộng chủ trì phối hợp với các đơn vị vận tải xe buýt tổ chức điều chỉnh luồng tuyến, điểm dừng xe buýt trên tuyến cho phù hợp với hiện trạng hạ tầng khu vực nút sau khi thông hầm vượt và nhu cầu đi lại của người dân.
Thanh tra Sở Giao thông Vận tải có trách nhiệm phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố, Công an và Ủy ban Nhân dân quận Thanh Xuân, Hà Đông và phường sở tại để tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện tham gia giao thông khu vực nút và các tuyến đường lân cận trong thời gian diễn ra Lễ thông xe và 15 ngày tiếp theo.
Trước đó, phát biểu tại buổi khai trương hầm chui Lê Văn Lương-Vành đai 3, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đề nghị Sở Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp cùng Công an thành phố nghiên cứu tổ chức giao thông tại nút giao này và trên các trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Khuất Duy Tiến cho phù hợp với lưu lượng xe sau khi công trình hầm chui đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo phát huy cao nhất hiệu quả dự án đầu tư./.