Ngày 2/10, tại thành Cần Thơ triều cường lên mức 2,13m, vượt báo động 3 là 0,13m đã khiến nhiều tuyến phố, con hẻm ở Cần Thơ biến thành "sông;" còn ở Thành phố Hồ Chí Minh mưa lớn kéo dài từ sáng sớm đến trưa khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng.
Giao thông tại nhiều nơi hỗn loạn, đi lại khó khăn do ngập lụt diễn ra đúng giờ đi học, đi làm của người dân.
Triều cường đạt đỉnh, nhiều tuyến phố ở Cần Thơ biến thành "sông"
Sáng 2/10, triều cường ở thành phố Cần Thơ lên mức 2,13m, vượt báo động 3 là 0,13m đã khiến nhiều tuyến phố, con hẻm ở Cần Thơ biến thành "sông."
Nước lên cao đúng giờ cao điểm buổi sáng, tràn vào nhà dân khiến việc buôn bán, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.
Từ hơn 6 giờ, nước tràn lên từ các sông, rạch bắt đầu bủa vây khắp nơi. Người dân đi làm, chở con đi học phải "vật lộn" với với tình trạng ngập nước, trong khi các cửa hàng, quán ăn, quán càphê trong tình trạng ế ẩm.
Đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, đoạn từ cầu Rạch Ngỗng đến ngã tư đường Võ Văn Kiệt được xem là một trong những "rốn ngập" của Cần Thơ mỗi khi tới đợt triều cường. Nơi ngập sâu nhất gần hết bánh xe máy.
Từ trong hẻm đi ra, nhiều người dân phải dừng lại quan sát để tìm hướng đi an toàn vì xung quanh đều bị dòng nước bao vây. Anh Nguyễn Gianh Lam, nhà ở hẻm 28 Mậu Thân, cho biết mấy ngày nay, cứ sáng sớm và chiều tối, con hẻm trước nhà anh bị nước tràn vào. Để đưa con đi học ở một trường tiểu học cách nhà khoảng 1km, anh Lam phải mất hơn gần nửa tiếng “đánh vật” với dòng nước cùng lượng người và xe cộ đông đúc vào giờ cao điểm, trong khi ngày thường chỉ mất khoảng 5 phút.
[Cần Thơ: Triều cường vào giờ tan tầm, người dân lội nước bì bõm]
Trên đường Trần Hưng Đạo, đoạn trước cổng Bệnh viện Tim mạch Cần Thơ, nước ngập rất sâu khiến người dân đến khám, chữa bệnh rất vất vả. Một số người đi xe máy chở bệnh nhân đến khám bị ngã xe do bị những đợt sóng lớn từ các xe ôtô chạy qua đánh vào.
Lực lượng Công an, Dân quân tự vệ, Đoàn Thanh niên được huy động túc trực tại các điểm ngập sâu, hỗ trợ học sinh đến trường và người dân lưu thông an toàn. Tại các nút giao, Cảnh sát Giao thông được huy động để phân luồng, điều tiết giao thông, hạn chế tình trạng kẹt xe.
Ở quận Bình Thủy, đường Bùi Hữu Nghĩa đoạn vào chợ Bình Thủy nước ngập ngang đầu gối người lớn. Lực lượng chức năng phải đặt bảng cấm xe 3-4 bánh vào khu vực này.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước cao nhất trong ngày 2/10 tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu đạt 2,13m (vượt báo động 3 là 0,13m). Mực nước này tương đương với chiều 1/10 và đúng như dự báo trước đó của cơ quan này về đỉnh của đợt triều cường Rằm tháng Tám Âm lịch sẽ xuất hiện vào ngày 2/10 với mực nước cao nhất từ 2,10-2,15m.
Dự báo mực nước cao nhất chiều tối 2/10 ở mức 2,13m. Trong ngày 3/10, triều cường bắt đầu xuống chậm, sau đó rút dần.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng thủ Dân sự-Phòng, Chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành phố Cần Thơ, cho biết Ban đã đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố căn cứ dự báo tình hình triều cường, điều tiết thời gian đến trường và tan học phù hợp, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh, giáo viên tại các khu vực ngập sâu.
Theo ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ, một số tuyến đường ngập khá sâu Cách Mạng Tháng Tám, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Mậu Thân... Mọt số điểm nóng trước đây như đường Nguyễn Văn Cừ, quận Ninh Kiều, nút giao IC3, quận Cái Răng không bị ảnh hưởng do mặt đường đã được nâng cấp.
Mưa lớn kéo dài, nhiều đường của Thành phố Hồ Chí Minh chìm trong "biển nước”
Ngày đầu tuần (ngày 2/10), Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện cơn mưa lớn kéo dài từ sáng sớm đến trưa khiến nhiều tuyến đường bị ngập nặng. Giao thông tại nhiều nơi hỗn loạn do mưa lớn ngay giờ đi học, đi làm của người dân.
Theo ghi nhận từ ứng dụng cảnh báo ngập nước và triều cường UDI Maps của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa xuất hiện vào khoảng hơn 6 giờ cùng lúc trên toàn địa bàn thành phố. Mưa kéo dài trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, càng về trưa mưa càng nặng hạt khiến nhiều tuyến đường tại một số nơi như: quận Gò Vấp, quận 12, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức cùng các huyện ngoại thành ngập nước.
Tại các tuyến đường Quốc Hương, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân cùng một số đường nhỏ thuộc khu dân cư Thảo Điền, thành phố Thủ Đức, nước ngập kéo dài. Mưa lớn liên tục khiến nước không kịp rút, nhiều phương tiện bị chết máy. Mưa ngập ngay buổi sáng sớm khi nhiều người dân đang trên đường đi học, đi làm gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại nhiều điểm.
Chị Trần Hồng Lan, khu dân cư Thảo Điền, cho biết chiều 1/10, trời mưa đến tối muộn đã khiến khu vực quanh nhà chị bị ngập. Nước còn chưa rút hết, sáng sớm 2/10 lại có thêm mưa lớn khiến nhiều đoạn đường thành sông. Để đảm bảo an toàn, vợ chồng chị quyết định cho con trai nghỉ học sáng nay; đồng thời xin phép cơ quan cho nghỉ nửa buổi.
Quận Gò Vấp là một trong những địa phương bị ngập nặng nhất của Thành phố hồ Chí Minh. Các tuyến đường như Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Khối, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu… chìm trong “biển nước.” Trên đường Nguyễn Văn Khối đoạn qua Công viên Làng Hoa, nước ngập gần nửa bánh xe mô tô, mưa to tạo ra xoáy nước khiến nhiều người dân đang lưu thông bị trượt ngã.
Trên đường Lê Văn Thọ, nước từ đường tràn lên vỉa hè vào nhà dân và một số cơ sở kinh doanh khiến người dân, chủ cơ sở phải rào chắn trước cửa để ngăn nước. Khu vực quận Gò Vấp có nhiều tuyến đường là điểm ngập thường xuyên của Thành phố. Nhiều nơi cứ mưa lớn là ngập khiến cho sinh hoạt của người dân đảo lộn. Hoạt động kinh doanh buôn bán bị đình trệ.
Chị Nguyễn Ngọc Phương Quỳnh, quận Gò Vấp, chia sẻ sáng nay, vừa mở cửa ra, chị đã thấy đường Phan Huy Ích trước nhà ngập nước nên quyết định gọi taxi đi làm. Tuy nhiên, vì đường ngập nặng, các phương tiện di chuyển khó khăn, nhiều nơi xảy ra tắc đường.
Do đó, dù chị Quỳnh ra khỏi nhà từ 8 giờ nhưng đến hơn 10 giờ mới đến được công ty. “Từ đầu mùa mưa đến giờ, trận mưa hôm nay là lớn nhất và xảy ra ngập nặng nhất. Dự báo thời tiết, có thể tình hình mưa lớn sẽ còn kéo dài. Tôi rất mong các cơ quan chức năng sẽ có biện pháp khắc phục tình trạng ngập nước do mưa và triều cường để người dân mỗi ngày đi học, đi làm không phải như đi "đánh trận" như hôm nay nữa,” chị Quỳnh cho biết.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, theo dõi trên ảnh mây vệ tinh cho thấy mây dông phát triển trên hầu hết các quận/huyện của Thành phố Hồ Chí Minh đã gây mưa rào, có nơi kèm theo dông và sét vào sáng nay. Lượng mưa phổ biến từ 10-25 mm, có nơi trên 30mm.
Cùng với mưa lớn, triều cường vượt báo động 3 với mức đo được tại Trạm Nhà Bè lúc 4 giờ 30 phút ngày 2/10 là 1,67m; Trạm Phú An lúc 6 giờ là 1,64m. Mưa lớn kết hợp triều cường khiến một số khu vực trũng thấp, có khả năng tiêu thoát nước kém bị ngập. Người dân ở những vùng trũng thấp tại Thành phố Hồ Chí Minh vốn đã quen với tình trạng bị ngập mỗi khi có triều cường. Tuy nhiên, mấy ngày nay, triều cường kết hợp với mưa lớn đã làm cho nhiều khu vực bị ngập nghiêm trọng. Việc đi lại, sinh hoạt của hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, trong 24 giờ đến 48 giờ tới, khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục có mưa nhiều nơi, rải rác mưa vừa và dông, có nơi mưa to. Đợt mưa lớn diện rộng tại thành phố khả năng kéo dài đến hết ngày 3/10, lượng mưa khoảng từ 40-100mm. Riêng khu vực trung tâm thành phố, lượng mưa thấp nhất khoảng 40mm và có thể lên đến 80mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh, người dân cần đề phòng./.