Cần Thơ và Nhật Bản đặt trọng tâm hợp tác phát triển kinh tế

Dự kiến trong năm 2022, Cần Thơ tạo điều kiện cho các hãng hàng không nối tuyến từ Cần Thơ đi Tokyo và Osaka để thúc đẩy quan hệ, hợp tác phát triển kinh tế với Nhật Bản.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Ngày 13/4, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố cùng đại diện các sở, ngành đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh do ông Watanabe Nobuhiro làm trưởng đoàn.

Hai bên cùng trao đổi các lĩnh vực hợp tác: giáo dục đào tạo, dự án ODA, xúc tiến đầu tư, đối ngoại nhân dân, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)...; trong đó, trọng tâm trao đổi hợp tác phát triển kinh tế.

Thông tin đến Tổng lãnh sự Nhật Bản, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cho biết, thành phố Cần Thơ cơ bản đã kiểm soát được dịch COVID-19. Thành phố chính thức khôi phục lại phát triển kinh tế-xã hội.

Quý 1 năm 2022 tăng trưởng GDP của Cần Thơ tăng 5,7%, là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất nước. Chỉ riêng bảy ngày qua, Cần Thơ đón tiếp trên 1 triệu lượt khách tham quan, dự các lễ hội tại địa phương.

Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh để hợp tác phát triển nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông, giáo dục đào tạo...

Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện có nhiều dự án lớn đang triển khai ở khu vực; trong đó, có tuyến đường sắt cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Thành phố Cần Thơ mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản sớm đẩy nhanh tiến độ triển khai đường sắt tốc độ cao từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ vì đây là dự án tác động lớn đến đời sống, kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng dự án làm cầu Ô Môn (kết nối Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp), thành phố mong muốn Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) quan tâm đẩy nhanh triển khai dự án này.

[Tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư Nhật Bản thành công ở Bình Dương]

Hiện nay, thành phố Cần Thơ có 6 dự án FDI từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,35 tỷ USD. Kết quả xúc tiến đầu tư từ các dự án FDI vào Cần Thơ thời gian qua chưa đạt kỳ vọng, nhiều dự án không thể xúc tiến đi xa hơn.

Mong muốn các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư về Cần Thơ sau khi các trục cao tốc từ Thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ hoàn thành, ông Lê Quang Mạnh đề nghị Tổng lãnh sự trong năm nay tiếp tục quan tâm duy trì các diễn đàn thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản đến với thành phố Cần Thơ để tạo cơ hội thông tin đến các nhà đầu tư về môi trường đầu tư tại Cần Thơ.

Ông Lê Quang Mạnh cũng mong muốn quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục khoa học giữa Nhật Bản và Cần Thơ có thể khai thác mở rộng, đặc biệt, hỗ trợ trao đổi học thuật, tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ giao lưu, tiếp cận kiến thức khoa học mới từ Nhật Bản.

Dự kiến trong năm 2022, Cần Thơ tạo điều kiện cho các hãng hàng không nối tuyến từ Cần Thơ đi Tokyo và Osaka để thúc đẩy quan hệ, hợp tác phát triển kinh tế với Nhật Bản.

Riêng hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Cần Thơ vào Nhật Bản đạt 23,49 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy hải sản, may mặc, nông sản... (Ảnh minh họa: Thu Hiền/TTXVN)

Đánh giá cao mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam-Nhật Bản, ông Watanabe Nobuhiro cho biết năm 2021, Thủ trướng hai nước đã thống nhất tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác, phát triển trong thời gian tới; và quan hệ kinh tế là mối quan hệ trọng tâm giữa hai nước.

Nhật Bản là quốc gia đứng vị trí thứ hai đầu tư FDI vào Việt Nam. Mặc dù, ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn tiếp tục duy trì đầu tư vào Việt Nam; trong đó có Cần Thơ.

Kết quả điều tra, khảo sát các công ty mẹ tại Nhật Bản cho thấy gần 50% các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư mở rộng kinh doanh vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản ở Cần Thơ mong muốn tiếp tục đầu tư, mở rộng kinh doanh tại địa phương.

Theo Tổng lãnh sự Nhật Bản, thành phố Cần Thơ là thành phố lớn của Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu tuyến cao tốc được hoàn thiện từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ có tiềm năng thu hút vốn đầu tư FDI vào khu vực nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.

Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên đầu tư FDI vào Cần Thơ nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn chưa được kỳ vọng, dự đoán trong thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ quay trở lại Việt Nam.

Mong muốn đồng hành cùng thành phố Cần Thơ thu hút nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đến địa phương trong thời gian tới, ông Watanabe Nobuhiro đề nghị thành phố Cần Thơ chủ động tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư ở thành phố Cần Thơ; tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trực tiếp tại Nhật Bản nhằm giới thiệu thành tựu kinh tế-xã hội, tiềm năng, cơ hội đầu tư, các chính sách hỗ trợ đầu tư của thành phố, tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản gặp gỡ trực tiếp với chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố.

Theo thông tin từ Sở Ngoại vụ thành phố Cần Thơ, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Cần Thơ vào Nhật Bản là 169,34 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy hải sản, may mặc, lông vũ, nông sản chế biến, hóa chất và một số mặt hàng khác.

Riêng hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố Cần Thơ vào Nhật Bản là 23,49 triệu USD; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy hải sản, may mặc, nông sản, nông sản chế biến, hóa chất và một số mặt hàng khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục