Cần Thơ trả 'nợ' dự án công viên hạ tầng xanh cho người dân

Điểm mới của ý tưởng này là công viên sẽ được thiết kế theo hướng không gian mở trên nền công trình hạ tầng xanh, bờ sông được thiết kế linh hoạt theo hướng giữ hoặc gia cố theo hiện trạng tự nhiên.
Cần Thơ trả 'nợ' dự án công viên hạ tầng xanh cho người dân ảnh 1(Ảnh minh họa: Phan Tuấn Anh/TTXVN)

Thành phố Cần Thơ sẽ triển khai xây dựng một công viên được cho là dự án hạ tầng xanh đầu tiên tại địa phương trong thời gian tới. Thông tin trên được ghi nhận tại cuộc họp triển khai dự án thí điểm ứng dụng phương án hạ tầng xanh do Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức ngày 14/2.

Theo đó, dự án sẽ được thực hiện trên diện dích hơn 0,5ha tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều với ý tưởng giúp bảo tồn và phát triển một hạ tầng xanh, kết nối lợi ích cộng đồng.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), thành viên tham gia xây dựng dự án, khi hoàn thành, công trình này không chỉ có chức năng là công viên mà còn có thể điều tiết nước mặt, góp phần tạo cảnh quan không gian sống, cải thiện điều kiện khí hậu.

Theo ông, điểm mới của ý tưởng này là công viên sẽ được thiết kế theo hướng không gian mở trên nền công trình hạ tầng xanh. Bờ sông được thiết kế linh hoạt theo hướng giữ hoặc gia cố theo hiện trạng tự nhiên nhằm tạo sự thân thiện và cảnh quan sinh thái.

Cùng với đó, các công trình cải thiện môi trường nước và giảm ngập được bố trí lồng ghép vào các công trình cảnh quan. Thêm vào đó là các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ở khu vực đô thị… Ông Tuấn cho rằng đây là giải pháp phù hợp với các vùng đất bằng phẳng như thành phố Cần Thơ.

[Con người - nhân tố quan trọng trong phát triển thành phố thông minh]

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, đây là dự án mà thành phố còn nợ người dân. Các khu tái định cư ở vị trí dự án định triển khai người dân đã sinh sống ổn định nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có công viên.

Để triển khai khu công viên phục vụ cho cộng đồng dân cư nói trên, nếu có thể trở thành một công trình “hạ tầng xanh” sẽ không những giải quyết được cả nhu cầu về công viên cho người dân, đồng thời xử lý được cả vấn đề ngập lụt và môi trường, những thách thức mà một đô thị đang phát triển như Cần Thơ phải đối mặt.

Qua ý kiến góp ý tại cuộc họp, ông Đào Anh Dũng đề nghị Viện Khoa học Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và các đơn vị tham gia xây dựng dự án ghi nhận các đóng góp để hoàn thiện dự án trước khi triển khai thực hiện.

Theo các chuyên gia quy hoạch cảnh quan đô thị, hạ tầng xanh là mạng lưới các thành tố ‘xanh’ được bảo tồn, hoặc tăng cường, hoặc thiết lập nhằm giải quyết các tiêu cực của đô thị hóa dựa trên cách tiếp cận "xây dựng cùng thiên nhiên," nghĩa là đảm bảo sự hài hòa không đối kháng giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn, tăng cường các giá trị của tự nhiên.

Một số thành tố thiên nhiên có thể được sử dụng để cung cấp các dịch vụ quan trọng cho con người như bảo vệ họ khỏi lũ lụt hoặc khí hậu khắc nghiệt, hoặc giúp nâng cao chất lượng không khí, đất và nước.

Hạ tầng xanh được cho rằng có nhiều lợi ích cho sức khỏe và phúc lợi của cộng đồng dân cư, đồng hành với lợi ích môi sinh thông qua giải quyết tốt hạ tầng xanh trong bối cảnh đô thị hóa.

Tại Việt Nam, hạ tầng xanh giúp khắc phục được nhiều vấn đề đang tồn tại trên thực tế của một đô thị, sẽ tạo ra các giá trị cảnh quan, cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn, tạo đa dạng sinh học, phát triển kinh tế… Đồng thời, phát triển hạ tầng xanh sẽ giúp tăng giá trị của đô thị như giá nhà cửa, đất đai sẽ tăng, thu hút được đầu tư, du lịch và cả thương mại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục