Cần Thơ sẽ thành trung tâm thủy sản của ĐBSCL vào năm 2020

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của cả nước đến năm 2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành trung tâm thủy sản tại Cần Thơ; trung tâm nghề cá Tây Nam Bộ tại Kiên Giang.
Cần Thơ sẽ thành trung tâm thủy sản của ĐBSCL vào năm 2020 ảnh 1Dây chuyền cấp đông cá tra xuất khẩu. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản của cả nước đến năm 2020, tầm nhìn 2030, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hình thành trung tâm thủy sản tại Cần Thơ; trung tâm nghề cá Tây Nam Bộ tại Kiên Giang; thu hút đầu tư, gắn nuôi trồng chế biến thủy sản với tiếp nhận, chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao; thu hút nguồn nhân lực thủy sản trình độ cao từ các trung tâm, viện, trường.

Quy hoạch này nhằm thúc đẩy ngành thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, mạnh, bền vững.

Thạc sỹ Trần Hoài Giang - Phân viện trưởng, Phân viện quy hoạch thủy sản phía Nam, cho rằng phát triển thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long theo chiều sâu chính là phát huy lợi thế, năng lực sản xuất, sử dụng hợp lý tài nguyên, nguồn lực tiềm năng của vùng, phù hợp định hướng phát triển tổng thể kinh tế của cả nước.

Cũng theo thạc sỹ Trần Hoài Giang, chế biến và thương mại thủy sản đóng vai trò quan trọng đảm bảo phát triển nuôi trồng thủy sản của vùng đi vào chiều sâu. Do đó, hệ thống chế biến và tiêu thụ cần rà soát lại, quy hoạch cụ thể trên cơ sở gắn kết với nhu cầu thị trường. Các đơn vị cần tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm “từ ao nuôi đến bàn ăn," phối hợp với doanh nghiệp chế biến ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ trong chế biến bột cá nguyên liệu và chế biến xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hội nhập mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm.

Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt gần 800.000ha, có thể mở rộng lên xấp xỉ 1 triệu ha, với nhiều đối tượng nuôi phong phú, đa dạng trên cả ba loại hình mặt nước: nước mặn, nước lợ, nước ngọt.

Hiện toàn vùng có hơn 300 doanh nghiệp chế biến thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu, chiếm gần 50% doanh nghiệp cả nước, công suất chế biến hơn 1 triệu tấn/năm.

Các nhà máy chế biến phân bố theo từng vùng nguyên liệu, hình thành cụm chế biến thủy sản như cụm chế biến tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; cụm chế biến các sản phẩm cá tra ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long; cụm sản xuất thức ăn tôm ở Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng; cụm sản xuất thức ăn cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ.

Khai thác thủy hải sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều năm qua luôn ổn định. Tổng phương tiện đánh bắt thủy hải sản 22.000 chiếc, sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục