Cần Thơ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững

Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương để làm du lịch, song song với mục tiêu bảo vệ môi trường.
Cần Thơ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững ảnh 1Các khu du lịch sinh thái tại Cần Thơ tạo cho du khách cảm giác thư giãn bởi không khí thoáng mát, trong lành đầy màu sắc của cỏ cây, hoa trái. (Ảnh: Thông Hải/Báo Ảnh Việt Nam)

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ Nguyễn Minh Tuấn, năm 2018, thành phố đón khoảng 8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,5 triệu khách lưu trú, với tổng doanh thu đạt gần 3.800 tỷ đồng.

Các con số này cao hơn nhiều so với năm 2017. Đặc biệt, có sự chuyển dịch trong nhu cầu của du khách từ tham gia loại hình du lịch tham quan-mua sắm sang nghỉ dưỡng-trải nghiệm, trong đó nổi bật là mô hình du lịch sinh thái cộng đồng.

Du lịch sinh thái cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hóa địa phương để làm du lịch, song song với mục tiêu bảo vệ môi trường.

Với cộng đồng khai thác du lịch, mô hình này giúp gia tăng thu nhập một cách bền vững. Với khách du lịch, đây là cơ hội tìm hiểu, nâng cao nhận thức về môi trường và giao lưu văn hóa, trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của cộng đồng. Cần Thơ có một mô hình như thế tại cồn Sơn.

Thế mạnh tài nguyên thiên nhiên và văn hóa

Cồn Sơn rộng trên 67ha (khu vực 1, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy), là dải đất được phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng sông Hậu, được ví như viên ngọc ngậm trong miệng rồng của làng cổ Long Tuyền.

Dù cư dân cồn Sơn mới chỉ bắt đầu biết đến du lịch từ cuối năm 2015, nhưng với thế mạnh từ những vườn cây trĩu quả, ao cá, bến sông, cùng với nếp sống đôn hậu, thân thiện, yên bình của người dân miền Tây sông nước, những năm gần đây, du khách đổ về cồn Sơn ngày một nhiều hơn, doanh thu từ du lịch cũng ngày một tăng cao.

Với đặc thù là dải đất phù sa do sông Hậu bồi tụ, đất đai của cồn Sơn vô cùng màu mỡ, cây trái tươi tốt và trĩu quả quanh năm. Để không dẫm chân nhau, 74 hộ dân nơi đây trồng đa dạng các loại trái cây như vú sữa, chôm chôm, nhãn, bưởi. Mùa nào thức nấy, du khách khi đến cồn, vào thăm các vườn cây sẽ luôn có món ngon được thưởng thức ngay tại vườn.

Cũng do được bao xung quanh là dòng sông Hậu hiền hòa nên ngoài sản vật cây trái, thiên nhiên còn ban tặng cho người dân cồn Sơn nguồn tài nguyên phong phú về thủy sản. Nhiều hộ lợi dụng nguồn nước tự nhiên để phát triển mô hình nuôi cá bè trên sông, vừa giảm chi phí thay nước, lại phát triển du lịch, cũng như mở rộng đầu ra cho sản phẩm bằng các quầy bán khô cá, tôm cho du khách làm quà.

Kết hợp những thế mạnh từ thiên nhiên, cồn Sơn cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng cho khách du lịch. Theo đó, du khách đến cồn Sơn sau khi được thư giãn trên chiếc võng giữa những vườn cây trái, sẽ được ghé các hộ dân để học làm bánh, làm vườn, tát mương bắt cá…

Trước khi rời cồn, du khách sẽ được trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm du lịch đặc sắc “mâm cơm cộng đồng." Theo đó, mỗi món ăn trên mâm cơm cộng đồng được chuẩn bị từ một hộ trên cồn, mỗi gia đình đóng góp một món ăn tùy theo từng điều kiện.

Nhà góp món lẩu cá; nhà có món rau luộc chấm kho quẹt, món cá lóc nướng trui; nhà khác lại góp bánh xèo Tám Điền, gà xé bưởi Sáu Cảnh, lẩu cua đồng Năm Phước, cá thác lác rút xương Bảy Bon… Cứ vậy, "mâm cơm cộng đồng" ngày càng nhiều món, đa sắc, đa vị, đậm đà tình làng nghĩa xóm.

Mô hình hợp tác làm du lịch như vậy giúp các nông hộ phát huy điểm mạnh của gia đình mình, tạo ra nguồn thu khá đồng đều.

Những hộ có vườn cây, bè cá kết hợp vào tour tham quan trải nghiệm, các nghệ nhân khéo tay làm bánh dân gian phục vụ du khách, hộ nào không có vườn rau, ao cá vẫn có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm bằng cách góp sức lao động, phục vụ…

Tùy theo sở thích, du khách có thể lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào trong chuỗi đó, người dân chú trọng đầu tư hoàn thiện sản phẩm của mình và ngày càng thu hút du khách.

Chị Năm Phước, chủ nhà vườn Song Khánh, cho biết sức hút của cộng đồng cồn Sơn nằm ở sự chân chất, thân tình trong cách coi khách như người nhà của mình.

Các sản vật trên cồn, nếu tách riêng lẻ thì không có gì đặc biệt, bởi nó cũng giống như ở nhiều điểm du lịch khác trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, qua cách phục vụ, qua những câu chuyện kể của người dân trên cồn, du khách sẽ cảm thấy gần gũi, quyến luyến vùng đất này. Rất nhiều người trong số đó đã quay lại cồn Sơn cùng với bạn bè và người thân của mình.

Cũng theo chị Năm Phước, các hộ dân trên cồn hầu hết đều đã là thế hệ thứ tư, thứ năm, đất đai cố cựu, cha truyền con nối, định cư ổn định. Mọi người đều biết nhau, thậm chí có mối quan hệ khăng khít gắn bó như họ hàng. Thêm vào đó, do đặc thù đất cồn, mùa mưa dễ có nguy cơ sạt lở, nên khi hộ nào có chuyện là người dân cả cồn đến giúp.

[Xóa bỏ tư duy kinh doanh "chộp giật" trong phát triển du lịch]

Dựa trên nền tảng văn hóa cộng đồng như thế, việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cồn Sơn có những lợi thế cũng như nét riêng biệt so với những mô hình du lịch cộng đồng ở các địa phương khác.

Văn hóa sông nước cũng ghi dấu vào tín ngưỡng, tâm linh của người dân cồn Sơn qua công trình Miếu Bà chúa Xứ được thờ tự trên cồn. Theo “ông từ” Huỳnh Ngọc Ngon (Tư Canh), miếu Bà đã có gần 100 năm nay, người dân tin tưởng Bà là người đỡ đầu, che chở cho những người làm việc sông nước, đồng thời cũng gìn giữ đất đai, phù hộ cho người dân trên cồn khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.

Ngày mùng 9-10/2 âm lịch hằng năm là ngày giỗ của Bà, được tổ chức rất đông vui. Nếu du khách đến cồn vào dịp này, sẽ được cùng người dân bản xứ tham gia lễ hội tâm linh đặc sắc, đậm nét văn hóa cồn bãi, sông nước này.

Ngoài ra, cồn Sơn cũng được đánh giá như “nàng công chúa ngủ trong rừng," với nhiều giá trị văn hóa đang từng ngày khai mở. Theo một số người dân, trong các đoàn du lịch đến cồn cũng có những nhà nghiên cứu văn hóa.

Khi nhìn thấy những vật dụng người dân sử dụng hàng ngày như chum nước, bình hoa, thậm chí chậu đựng đồ ăn cho gia súc… họ đã chỉ cho cư dân cồn Sơn biết đó là những cổ vật quý hiếm, không chỉ có giá trị về kinh tế nếu được bán trên thị trường, mà còn có giá trị về lịch sử, văn hóa to lớn, khắc ghi nhiều dấu ấn trong giai đoạn khai hoang mở cõi của cha ông trên mảnh đất này. Từ đó, người dân đã được hướng dẫn cách bảo quản, trưng bày, trước là phục vụ du lịch, sau là bảo tồn nét văn hóa, lịch sử cho cồn Sơn.

Cần Thơ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng bền vững ảnh 2Đến cồn Sơn để khám phá những công đoạn làm kẹo dừa nổi tiếng của người dân nơi đây. (Ảnh: Thông Hải/Báo Ảnh Việt Nam)

Chung tay phát triển du lịch bền vững

Trong buổi làm việc với đại diện người dân làm du lịch trên cồn Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Văn Tâm đã nhấn mạnh quan điểm của các cấp lãnh đạo thành phố, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng là của dân nên sự liên kết phải ở dân.

Ủy ban Nhân dân quận Bình Thủy, phường Bùi Hữu Nghĩa hay các ngành, các cấp quản lý nhà nước về du lịch cần tôn trọng ý kiến của dân. Người dân có quyền bày tỏ nguyện vọng, đề xuất giúp du lịch cộng đồng gắn kết và phát triển. Trong quản lý nhà nước và chỉ đạo phải luôn minh bạch, công bằng, tạo được sự đồng thuận từ dân, hỗ trợ và giúp người dân ngày càng gắn bó với mô hình du lịch cộng đồng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết vai trò của các cấp quản lý là tạo môi trường pháp lý, các chính sách để người dân cồn Sơn phát triển du lịch bền vững; tạo cơ chế hỗ trợ nhằm thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia, cũng như người dân có thể liên kết với các nguồn lực doanh nghiệp, nhà khoa học.

Ngoài ra, vai trò của nhà quản lý còn được thể hiện ở sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

Cồn Sơn cần chỉnh trang, nâng cấp, hoàn thiện về giao thông, vệ sinh môi trường, hệ thống điện nước… trên cơ sở bảo tồn những nét hoang sơ, riêng có của cồn, không phá vỡ bức tranh tổng thể về sinh thái cồn Sơn.

Bà Phan Kim Ngân (Bảy Muôn), Chủ nhiệm Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, đang tạm giữ vai trò đại diện cho các hộ hoạt động du lịch trên cồn Sơn, trăn trở từ con số 15 hộ làm du lịch vào tháng 9/2015, hiện đã có trên 30 hộ tham gia Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng cồn Sơn. Con số này ngày càng gia tăng, do các hộ nhận thức được thế mạnh của mình, cũng như thấy được nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch.

Mong muốn của các hộ dân là được thành lập Câu lạc bộ Du lịch cộng đồng cồn Sơn, trực thuộc Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, để có những định hướng phát triển quy củ. Tuy nhiên, đã 4 lần gửi đơn nhưng vẫn còn vướng mắc ở thủ tục hành chính, nên đến nay nguyện vọng chính đáng này của người dân vẫn chưa thể trở thành hiện thực.

Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau, với sự giúp đỡ của một số nhà tư vấn độc lập, đã lên những kế hoạch nhằm đưa du lịch sinh thái cộng đồng cồn Sơn phát triển theo hướng bền vững, trong đó chú trọng yếu tố phát triển song song với bảo vệ môi trường.

Một trong những chiến dịch mà cộng đồng cồn Sơn phát động và đã thực hiện được triệt để, đó là “nói không với túi nylon." Tất cả túi nylon được thay thế bằng túi giấy, rau củ, được buộc bằng dây chuối. Ngoài ra, cộng đồng còn chung tay tuyên truyền, thực hiện và giám sát lẫn nhau để không ai xả rác bừa bãi, nhất là xả rác xuống sông.

Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch của cồn Sơn cũng sẽ được gắn kết với những câu chuyện văn hóa, thổi hồn vào các món ăn… nhằm làm đặc sắc, đặc biệt hóa sản phẩm của cồn.

Trong thời gian tới, cộng đồng cư dân làm du lịch cồn Sơn cũng sẽ triển khai kế hoạch xây dựng nhà trưng bày các cổ vật.

Hiện nay, cổ vật được trưng bày trên quy mô gia đình, dẫn tới sự dàn trải, cũng như khó khăn trong bảo quản, khai thác du lịch. Do đó, mô hình nhà trưng bày chung khi hoàn thiện được kỳ vọng là một điểm du lịch mới, hấp dẫn, bổ sung thêm vào lựa chọn cho du khách khi đến cồn Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục