Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, tỉnh đang thực hiện nhiều dự án nuôi thủy sản theo chuẩn thương mại EAFI (Ethical Aquaculture Food Index) nhằm đạt các yêu cầu: quản lý khoa học, sản phẩm chất lượng cao, tăng trưởng bền vững góp phần phát triển vùng, bảo đảm sinh kế cho người nuôi, minh bạch, bảo đảm an sinh và sức khỏe động vật, chất lượng môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án do các nước Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và Bangladesh đề ra.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ cho biết, Cần Thơ thực hiện đồng bộ các giải pháp về khoa học, công nghệ, chú trọng công tác chuyển giao công nghệ tiên tiến trong thâm canh nuôi thủy sản, hợp tác quốc tế, phát triển nguồn nhân lực, quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng chương trình tập huấn, mô hình trình diễn đến tận xã ấp theo tiêu chuẩn GAP, SGF 1000 CM, bảo đảm an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế như HACCP, ISO.
Để thực hiện các dự án thành công từ nay đến năm 2020, Cần Thơ khai thác hợp lý nguồn tài nguyên đất, mặt nước; huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia nuôi thủy sản; hoàn thiện hạ tầng nuôi gắn với hạ tầng nông nghiệp, trong đó chú ý phát triển hệ thống thủy lợi đa mục tiêu vừa phục vụ canh tác lúa, màu, cây ăn quả vừa phục vụ nuôi thủy sản hiệu quả.
Ngoài ra, Cần Thơ xây dựng trại giống thủy sản và vùng nuôi cá tra nguyên liệu, tôm càng xanh tại các huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, quận Ô Môn, đồng thời mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên 26.000 ha; xây dựng thêm hàng chục trại tôm cá giống và trại giống thủy sản cấp I nhằm cung ứng 2,3 tỉ con giống mỗi năm, trong đó có 240 triệu con tôm càng xanh.
Từ nay đến năm 2016, Cần Thơ nâng công suất chế biến thủy sản xuất khẩu lên trên 140.000 tấn/năm. Từ năm 2016-2020, nâng lên gần 300.000 tấn/năm. Phấn đấu đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 7 tỷ USD.
Hiện Cần Thơ đang xây dựng trung tâm giống thủy sản cấp I rộng 214,7 ha tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, có khả năng cung ứng 2 tỷ con giống/năm gồm cá tra, ba sa, rô đồng, bống tượng, rô phi, trê lai, tôm càng xanh cho người nuôi tại địa phương và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung tâm còn nghiên cứu, bảo tồn các loài gen thuỷ sản quý hiếm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời nghiên cứu cải thiện chất lượng đàn cá bố mẹ; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào di truyền, chọn giống, nhân đàn cá giống gốc chất lượng cao; hoàn thiện quy trình nâng cao chất lượng sản xuất giống thủy sản.
Năm 2014, Cần Thơ có kế hoạch đưa 13.500 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, phấn đấu đạt sản lượng trên 180.000 tấn.
Đến cuối tháng Năm, đã có gần 6.000 ha được đưa vào thả nuôi tôm cá, sản lượng đạt trên 55.000 tấn, trong đó có 44.000 tấn cá tra. Địa phương đã xuất khẩu 41.000 tấn thủy sản chế biến, trị giá gần 170 triệu USD./.
(TTXVN/Vietnam+)