Với mong muốn tạo ra một phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, một nhóm sinh viên Cần Thơ đã thành công trong việc chế tạo ra mô hình ôtô điện có đầy đủ tính năng cơ bản.
Sản phẩm đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ công nhận là sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả, áp dụng trong phạm vi thành phố và toàn quốc.
Sáng chế nắm bắt xu hướng nhiên liệu sạch
Sản phẩm ôtô điện được đề cập là thành quả nghiên cứu và chế tạo khóa luận tốt nghiệp “Thiết kế chế tạo mô hình ôtô điện 2 chỗ ngồi,” do nhóm Trương Hữu Lộc, Lê Hoàng Mãi và Tống Tấn Huy, sinh viên ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô, Khoa Cơ khí Ðộng lực, Trường Ðại học Nam Cần Thơ thực hiện.
Chia sẻ về động lực và mục tiêu sáng chế ôtô điện, nhóm sinh viên cho biết, trong quá trình học tập và nghiên cứu, nhóm nhận thấy việc phát triển năng lượng tái tạo gắn với sử dụng năng lượng sạch đang dần trở thành xu thế tất yếu của thời đại.
Bên cạnh đó, trước tình hình biến đổi khí hậu phức tạp đang diễn ra tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhóm mong muốn sản phẩm trong khóa luận tốt nghiệp của mình phải là một sản phẩm thân thiện môi trường, từ đó đi đến quyết định thiết kế và chế tạo một ôtô điện có đầy đủ tính năng.
[Việt Nam cam kết chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới xã hội bền vững]
Sau 3 tháng kể từ khi lên ý tưởng, phiên bản ôtô điện hoàn thiện đầu tiên đã ra mắt. Sản phẩm có kích thước dài 2,5m, rộng 1m, được thiết kế có 2 chỗ ngồi với cốp phía trước và thùng hàng phía sau.
Màu sắc của xe được nhóm lựa chọn là xanh lá cây, tượng trưng cho mục tiêu bảo vệ môi trường của sản phẩm.
Bạn Trương Hữu Lộc, Trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ trước khi chế tạo, nhóm đã thảo luận và so sánh nhiều phương án thiết kế khác nhau. Với kinh phí và thời gian có hạn, thiết kế hiện tại là lựa chọn tối ưu nhất; nhóm luôn xác định các tiêu chí về an toàn cho người sử dụng xe được đặt lên hàng đầu.
Xe được gắn hệ thống vi mạch tích hợp (IC) điều khiển di chuyển trên cụm công tắc tại vô lăng; đồng thời được trang bị đầy đủ gương chiếu hậu, kính chắn gió phía trước và hệ thống đèn, còi để đảm bảo an toàn.
Mỗi lần sạc đầy pin, xe có thể lưu thông trên quãng đường 30km, tốc độ tối đa là 40km/h. Tuy có hình dáng nhỏ nhắn nhưng tải trọng của xe có thể chở được 2 người cùng hơn 250kg hàng hóa.
Với sự thể hiện tính năng vượt trội cũng như độ ổn định khi vận hành, trong tháng 7/2023, mô hình ôtô điện 2 chỗ ngồi của nhóm sinh viên đã giành được sự quan tâm, chú ý đặc biệt của Hội đồng bảo vệ, giúp 3 sinh viên giành điểm 10 tuyệt đối trong đồ án tốt nghiệp.
Đến tháng 8/2023, mô hình được Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ công nhận là sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả, áp dụng trong phạm vi thành phố và toàn quốc. Hiện xe điện này được sử dụng để phục vụ các nhu cầu học tập, giảng dạy trong nội bộ trường Đại học Nam Cần Thơ.
Tiếp tục hoàn thiện, hướng tới thương mại hóa sản phẩm
Hiện tại các sinh viên trong nhóm đều đã hoàn thành chương trình học và có những hướng phát triển sự nghiệp riêng nhưng mỗi khi có cơ hội, các bạn đều ngồi lại để tiếp tục thảo luận, hoàn thiện thêm chi tiết của chiếc xe. Đối với ba nam sinh viên, đây không còn là một đề án tốt nghiệp mà còn hướng tới những “tham vọng” lớn hơn.
Theo nhóm sinh viên, mô hình ôtô điện hiện tại vẫn còn một số hạn chế vì giới hạn của chi phí sản xuất. Trải qua quá trình chế tạo, nhóm đã rút ra nhiều kinh nghiệm và có nhiều ý tưởng để tạo ra sản phẩm tốt hơn. Nếu có điều kiện, mô hình sẽ được thiết kế và cải tiến thêm, phù hợp với việc di chuyển và chuyên chở các sản phẩm như trái cây, hàng hóa ở các khu vực vườn trái cây, qua đó tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp.
Một số cải tiến có thể thực hiện như lắp mái che cho ôtô điện để tránh nắng mưa; thay đổi phần thùng xe rộng hơn để chở được nhiều hàng hóa... Ngoài ra, nhóm sáng chế cũng tiếp tục nghiên cứu, chế tạo ra các mẫu xe điện có công suất lớn hơn và tăng số lượng chỗ ngồi để phù hợp với nhu cầu người sử dụng.
Ông Mai Việt Shin, giảng viên Khoa Cơ khí Động lực, Trường Đại học Nam Cần Thơ, nhận định chế tạo để một chiếc ôtô điện chạy được là việc không quá khó. Mô hình ôtô điện của nhóm sinh viên được đánh giá cao là do phần thiết kế phù hợp, giúp đạt được khả năng vận hành tối ưu, độ bền bỉ và tính an toàn cho người sử dụng.
Thực tế này được chứng minh rõ trong thời gian qua, khi xe được sử dụng nội bộ tại trường. Mô hình ôtô điện này cũng có rất nhiều tiềm năng ứng dụng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nếu được đầu tư phù hợp có thể được nâng cấp, trang bị nhiều tính năng giống như những ôtô điện bán trên thị trường.
Theo Tiến sỹ Trần Hữu Xinh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ hiện nay mô hình ôtô điện của nhóm sinh viên đang được trường sử dụng vào việc vận chuyển tài liệu, nước uống và đi lại trong khuôn viên trường.
Tính ứng dụng của mô hình là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên bước đầu chỉ có thể sử dụng trong khuôn khổ nội bộ. Để được sử dụng trong các điều kiện khác hoặc chạy trên đường, phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn theo quy định. Nhà trường có định hướng cho ba nam sinh viên học lên Thạc sỹ để tiếp tục phát triển mẫu xe này, đồng thời hỗ trợ tối đa để mô hình được ứng dụng vào thực tế.
Mặc dù mong muốn về việc hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm ôtô điện chưa thành hiện thực nhưng nhóm sinh viên thiết kế rất vui, tự hào vì sản phẩm được công nhận và sử dụng để dạy học tại trường.
Thông qua mô hình, các thế hệ sinh viên trẻ cũng thuận lợi hơn trong việc tiếp cận, nghiên cứu về xe điện. Nhóm cũng mong sản phẩm sẽ tiếp tục được các sinh viên ưu tú, tài năng phát triển thêm./.