Cần Thơ: Mở rộng giao thương hàng hóa sang thị trường Đông Bắc Á

Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định Đông Á là thị trường vừa truyền thống vừa là trọng tâm, trọng điểm của Việt Nam.
Cần Thơ: Mở rộng giao thương hàng hóa sang thị trường Đông Bắc Á ảnh 1Thu hoạch lúa. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Tại Tọa đàm "Kết nối thông tin về nhu cầu, thị hiếu và phổ biến quy định thị trường nông sản khu vực Đông Á," tổ chức ngày 10/11, tại thành phố Cần Thơ, các chuyên gia, doanh nghiệp, địa phương cùng tập trung hướng đến việc tìm kiếm cơ hội mở rộng giao thương hàng hóa sang thị trường còn nhiều dư địa-các nước Đông Bắc Á.

Điểm sáng và khó khăn

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định Đông Á là thị trường vừa truyền thống vừa là trọng tâm, trọng điểm của Việt Nam. Xuất khẩu thủy sản đầu tiên của Việt Nam không phải đi châu Âu hay Mỹ mà là thị trường Nhật Bản.

Tương tự, các sản phẩm rau củ quả của Việt Nam xuất khẩu lô đầu tiên và lớn nhất là đến Trung Quốc. Trong khi đó, Hàn Quốc gần đây nổi lên là một thị trường lớn của xuất khẩu Việt Nam. Đông Á là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chỉ thua EU và Hoa Kỳ.

Khu vực Đông Á gồm Đông Bắc Á và Đông Nam Á đang là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với nhiều loại nông sản của Việt Nam như gạo, thủy sản, rau quả, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su...

Đặc biệt, khu vực thị trường Đông Bắc Á là khu vực có dân số trên 1,6 tỷ người, là nơi có sức mua lớn, có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế thương mại. Ngoài 3 đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam còn một số thị trường quan trọng khác ở khu vực Đông Bắc Á như Đài Loan (Trung Quốc), Mông Cổ, Hong Kong (Trung Quốc)...

Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á đạt 350,2 tỷ USD, chiếm 48% trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, trong đó xuất khẩu đạt 122,3 tỷ USD, chiếm 32,9% tổng xuất khẩu ra thế giới.

Riêng 9 tháng của năm nay, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với khu vực Đông Bắc Á đạt 236 tỷ USD, chiếm 47,5% trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới, trong đó xuất khẩu đạt 88 tỷ USD...

[Cần Thơ thúc đẩy hợp tác sản xuất công nghiệp quy mô lớn với Hàn Quốc]

Trong 9 tháng qua, cơ cấu nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu sang khu vực Đông Bắc Á là chế biến chế tạo, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, khoáng sản, nông lâm thủy sản; trong đó, một số mặt hàng tiêu biểu xuất khẩu là gạo đạt 545 triệu USD, tăng 52,9% so cùng kỳ năm 2022; rau quả đạt 3,2 tỷ USD, tăng 115% so với cùng kỳ 2022...

Mặc dù, tình hình kinh tế thế giới khó khăn hoạt động xuất nhập khẩu với khu vực Đông Bắc Á vẫn có một số điểm sáng như xuất khẩu sang Trung Quốc duy trì đà tăng trở lại từ tháng Bảy vừa qua; biên độ giảm xuất khẩu nhóm hàng chế biến, chế tạo đã được thu hẹp từ 8,5% trong 6 tháng của năm nay xuống còn 3,2% trong 9 tháng qua. Ngoài ra, xuất khẩu nhóm nông thủy sản sang khu vực Đông Bắc Á trong 9 tháng qua tăng 14,2%, so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ vào xuất khẩu nhóm hàng này sang Trung Quốc tăng cao đạt 28,3%.

Dựa trên thực tế khách quan, các chuyên gia cũng đưa ra những đánh giá nhận định về các khó khăn đối với xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Đông Bắc Á.

Ông Nguyễn Duy Kiên dẫn chứng chiến tranh Nga-Ukraine làm gián đoạn vận chuyển hàng hóa, làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa sang thị trường Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ, thắt chặt chi tiêu của các nước suy giảm làm tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam.

Cùng với đó là xu hướng áp đặt tiêu chuẩn nhập khẩu mới của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản gây khó khăn cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam: Trung Quốc siết chặt kiểm tra bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc; trong khi đó, Hàn Quốc và Nhật Bản, áp dụng hệ thống quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật tăng cường các biện pháp kiểm dịch...

Mở rộng thị trường còn dư địa

Trên cơ sở những khó khăn, rào cản, những điểm mới trong quy định nhập khẩu của các nước, các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị, giải pháp cho doanh nghiệp; đồng thời, cung cấp thông tin về xu hướng, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng nông sản của thị trường khu vực Đông Á. Từ đó, hướng dẫn và định hướng việc thực thi các giải pháp và cách làm nhằm đáp ứng các yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất trong xuất khẩu nông sản sang các thị trường khu vực Đông Á.

Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, các địa phương, doanh nghiệp cần nghiên cứu thích ứng với các tiêu chuẩn mới xu hướng tiêu dùng mới của thị trường xuất khẩu; duy trì thị phần thông qua tận dụng tối đa các ưu đãi các giảm thuế trong các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA); tăng cường xúc tiến thương mại kết nối giao thương sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để gắn kết quảng bá, giới thiệu, kết nối nông thủy sản Việt Nam. Song song với đó là đẩy mạnh đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối lớn tại các nước Đông Bắc Á; đẩy mạnh khai thác thương mại điện tử xuyên biên giới.

Cần Thơ: Mở rộng giao thương hàng hóa sang thị trường Đông Bắc Á ảnh 2Dây chuyền chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Các doanh nghiệp, địa phương lưu ý về chính sách mới trong thuế quan liên quan đến lệnh 248, 249 của Trung Quốc để đáp ứng đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ phía Trung Quốc yêu cầu khi xuất khẩu hàng hóa, nông thủy sản sang thị trường này. Đối với các thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải lưu ý giữ uy tín tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đối với nông thủy sản khi xuất vào thị trường này.

Để doanh nghiệp có cái nhìn đúng về thị trường Trung Quốc tiềm năng cũng như yêu cầu của thị trường này đối với hàng nông thủy sản Việt Nam, ông Lương Văn Tài, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đã cung cấp nhiều thông tin tổng quan về thị trường Trung Quốc vào các khuyến nghị đối với doanh nghiệp về xu hướng thị trường Trung Quốc.

Theo ông Tài, xu hướng tiêu dùng của người Trung Quốc, nhất là người tiêu dùng ở đô thị đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe, chất lượng cao và nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Vì thế doanh nghiệp Việt Nam cần phát huy lợi thế vị trí địa lý, giá thành sản xuất, vận tải, các sản phẩm nhiệt đới của Việt Nam để khai thác và đáp ứng tối đa tiềm năng nhu cầu to lớn của thị trường Trung Quốc; đồng thời, tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn nước nhập khẩu và tăng cường quản lý, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam cũng nên sẵn sàng cạnh tranh với hàng hóa nông sản thực phẩm của các quốc gia cùng tham gia xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc...

Là một trong những thị trường lớn của Việt Nam ở khu vực Đông Bắc Á, Trung Quốc có 33 tỉnh, thành phố. Mỗi một địa phương ở Trung Quốc là một thị trường riêng bởi mỗi địa phương có thói quen tiêu dùng khác nhau.

Qua theo dõi, ông Lương Văn Tài, Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nhận thấy lâu nay, doanh nghiệp Việt Nam đã quen xuất khẩu hàng hóa sang các tỉnh của Trung Quốc giáp với biên giới. Tuy nhiên, dư địa thị trường Trung Quốc ở phía Bắc hay khu vực phía Đông còn lớn. Đây là chính là khu vực có sức mua hàng hóa lớn với 400 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu có thu nhập cao, sẵn sàng chi tiền mua hàng hóa, sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Nhưng rất ít hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường này.

"Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ tiếp tục tiếp cận thị trường sang các vùng còn lại của Trung Quốc để xúc tiến thương mại các mặt hàng nông lâm thủy sản là thế mạnh của Việt Nam," ông Nguyễn Duy Kiên thông tin thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục