Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công lấy dị vật là ống sonde JJ dài hơn 20cm ra khỏi thận-bàng quang cho cụ ông 82 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng.
Cụ ông N.V.T. được người nhà đưa đến khám và nhập viện trong tình trạng tăng huyết áp, khó thở, nghẹn vùng ngực, đau bụng, tiểu ra máu, đã có uống thuốc bên ngoài khoảng một tuần nhưng không giảm.
Theo người nhà bệnh nhân, ông T. có tiền sử bị sỏi thận, một năm trước từng mổ nội soi lấy sỏi. Các bác sỹ có đặt ống sonde JJ cho ông. Đây là một ống rỗng bằng nhựa dẻo hoặc silicon, được đặt vào niệu quản nhằm đảm bảo dòng nước tiểu có thể chảy từ thận xuống đến bàng quang. Ống này cần được lấy ra khỏi cơ thể bệnh nhân sau một thời gian tùy vào chỉ định của bác sỹ ở từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, sau khi xuất viện về nhà, ông T. không đi tái khám định kỳ theo lời dặn của bác sỹ. Gần đây, ông than mệt nhiều, đau bụng kèm đi tiểu ra máu, người ốm xanh xao.
Gia đình tự mua thuốc bên ngoài uống, nhưng cơn đau không thuyên giảm nên đưa đến bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ điều trị.
Tại đây, các bác sỹ thăm khám và tiến hành xét nghiệm lâm sàng cho ông T, kết luận ông bị viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm khuẩn hệ tiết niệu, sỏi thận, suy thận cấp; đặc biệt trong thận phải-bàng quang có dị vật bám đầy sỏi và quyết định tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngày 15/6.
Các bác sỹ nhận định đây là một ca can thiệp khó, nhiều rủi ro do bệnh nhân tuổi cao, nhiều bệnh nền, dị vật lớn và đã nằm quá lâu trong cơ thể nên niêm mạc bám chặt xung quanh (còn gọi là khảm), khi phẫu thuật có thể gây kéo luôn niêm mạc niệu quản, biến chứng rất nặng nề.
Sau hơn một giờ đồng hồ, với sự tập trung, phối hợp của nhiều chuyên khoa, dị vật đã được đưa ra khỏi người bệnh nhân an toàn. Dị vật là một ống thông sonde JJ (dài khoảng 20-25cm) đã đổi màu đen, bám đầy sỏi.
Sau 2 ngày can thiệp, hiện tình trạng bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh hiệu ổn, giảm hẳn các triệu chứng đau, không còn tiểu ra máu, ăn uống được. Bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, thăm khám hậu phẫu.
Thông qua trường hợp này, Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Bác sỹ Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, bác sỹ chính của êkip phẫu thuật đưa ra khuyến cáo: khi có dấu hiệu đau bất thường liên tục trong nhiều ngày, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị can thiệp.
Đồng thời, sau khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, đặc biệt là những phẫu thuật có đặt sonde, bệnh nhân cần nhớ đi tái khám theo đúng lời nhắc của bác sỹ để được lấy ống sonde ra, tránh các trường hợp biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng./.