Chỉ sau một năm khánh thành, đưa vào sử dụng, công trình đền thờ Vua Hùng (thành phố Cần Thơ) đã bị hư hỏng, lún, nứt tại một số hạng mục.
Trước tình trạng trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố đã đề xuất sử dụng nguồn tiền công đức để sửa chữa công trình.
Nguyên nhân một số hạng mục trong đền bị lún, nứt được xác định là do công trình xây dựng trên nền đất đồng bằng dễ bị lún.
[Cần Thơ: Đền thờ Vua Hùng đón hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày]
Để kịp phục vụ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ kiến nghị dùng nguồn tiền công đức sửa chữa đền thờ theo hình thức chỉ định thầu.
Đến nay, đơn vị tư vấn thiết kế đã lên phương án sửa chữa công trình với kinh phí hơn 497 triệu đồng từ nguồn tiền công đức (khoảng 800 triệu đồng của đền thờ trong năm 2022).
Việc sửa chữa đền thờ nhằm đảm bảo tính tôn nghiêm, an toàn cho khách tham quan và kịp tổ chức lễ Giỗ Tổ vào ngày 29/4 (mùng 10/3 âm lịch).
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã giao Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, đề xuất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hướng dẫn đơn vị thực hiện sửa chữa đền thờ Vua Hùng đảm bảo đúng quy định, kịp thời phục vụ lễ Giỗ Tổ năm 2023.
Khởi công vào giữa năm 2019, đền thờ Vua Hùng tại Cần Thơ nằm trên tuyến đường Võ Văn Kiệt và Đặng Văn Dầy tại Khu Hành chính tập trung của quận Bình Thủy.
Công trình được khánh thành vào ngày 6/2/2022 với tổng mức đầu tư 129,5 tỷ đồng do doanh nghiệp tài trợ, có quy mô hơn gần 4ha gồm các hạng mục chính như đền thờ, nhà điều hành, nghi môn, nhà bia, sân đường, cây xanh, thảm cỏ...
Điểm nhấn của công trình là đền thờ chính với hình tượng trống đồng cách điệu 18 cánh cung điêu khắc hoa văn đại diện cho 18 đời Hùng Vương, được bao quanh bởi hồ nước.
Đền thờ chính cao 19,5m, diện tích gần 1.300m2, có hình khối tròn xây trên nền vuông, tượng trưng cho trời và đất.
Bao quanh đền thờ chính là 54 cột trụ kết thành vòng tròn trong hồ điều hòa, tượng trưng cho cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Đền thờ vua Hùng thành phố Cần Thơ là công trình mang nhiều ý nghĩa tâm linh, tiếp nối truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc với mong muốn ghi nhớ công ơn dựng nước của các vua Hùng; đồng thời tạo nên điểm nhấn văn hóa mới, trở thành biểu tượng du lịch cho Cần Thơ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.