Cần Thơ: Hàng trăm điểm sạt lở bờ sông, đe dọa xóa sổ nhiều khu dân cư

Ngày 22/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cùng các sở, ngành liên quan đã khảo sát tình hình sạt lở bờ sông tại huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt.
Điểm sạt lở trên kênh Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh xảy ra giữa tháng 4/2019 nhấn chìm 4 căn nhà, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ngày 22/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cùng các sở, ngành liên quan đã khảo sát tình hình sạt lở bờ sông tại huyện Vĩnh Thạnh và quận Thốt Nốt.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, trong 5 tháng đầu năm 2019, tại Cần Thơ đã xảy ra 6 điểm sạt lở nghiêm trọng, làm sập 4 căn nhà, 1 căn bị sạt một phần và 17 căn phải di dời khẩn cấp, với thiệt hại trên 1,1 tỷ đồng. Hiện nay, tại Cần Thơ có khoảng 200 điểm sạt lở; trong đó, có 50 điểm có nguy cơ cao, đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm.

Cụ thể, trên tuyến kênh Cái Sắn thuộc huyện Vĩnh Thạnh vào ngày 15/4 đã xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng với chiều dài 29m, nhấn chìm toàn bộ 4 căn nhà.

Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thạnh cho biết, mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra trên địa bàn, đặc biệt tại tuyến kênh Cái Sắn là rất lớn.

Ủy ban Nhân dân huyện đã tiến hành khảo sát sạt lở tại bờ Bắc con kênh này và thành phố cũng đã khắc phục một số đoạn sạt lở với số tiền khoảng 5,5 tỷ đồng. Riêng huyện Vĩnh Thạnh cũng dành khoảng 5 tỷ đồng để tiếp tục khắc phục sạt lở trong năm 2019.

Tại quận Thốt Nốt, ông Nguyễn Hữu Tặng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận cho biết, Thốt Nốt hiện có 33 điểm sạt lở bờ sông và hầu như tất cả những điểm này đang cần khắc phục khẩn cấp. Trong đó tập trung nhiều nhất là phường Trung Nhứt với 6 điểm, các phường còn lại bình quân có 2 điểm/phường.

Hiện tại, điểm sạt lở trên tuyến kênh Bò Ót tại nơi tiếp giáp với sông Hậu đang được thi công bờ kè với chiều dài 290m với kinh phí trên 28 tỷ đồng và kè Thốt Nốt cũng được thực hiện với chiều dài 1.200m. Theo ông, với quy mô của dự án sẽ đảm bảo được đời sống của người dân. Đối với các điểm sạt lở khác, chính quyền địa phương đang vận động các hộ sinh sống di dời lên bờ, tiến hành gia cố tạm và khi có vốn sẽ thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

“Do ngân sách hạn hẹp nên chúng tôi đề xuất thành phố xử lý trước các điểm sạt lở khẩn cấp, có nguy cơ ảnh hưởng nhiều đến dân sinh. Các điểm còn lại sẽ sử dụng kinh phí từ Chương trình chống biến đổi khí hậu để thực hiện. Đến năm 2025, quận sẽ xóa hết nhà trên các tuyến sông, rạch trên địa bàn,” ông Tặng nói.

Trao đổi với báo chí sau khi tiến hành khảo sát, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố đã phối hợp với các quận, huyện và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các cấp tích cực vận động người dân thực hiện các giải pháp phòng, chống sạt lở cũng như nâng cao nhận thức của người dân thông qua công tác tuyên truyền, vận động.

Người dân cần thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình sạt lở để phòng tránh, di dời đồ đạc, nhà cửa ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao để bảo vệ tính mạng và tài sản; đồng thời áp dụng các giải pháp truyền thống đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như: trồng bần, dừa nước, gia cố tạm bằng cừ dừa, cừ tràm, rải các rọ đá... để chống sạt lở.

Hiện nay, Sở đang tích cực phối hợp với Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khảo sát kỹ lại những điểm có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm để hướng dẫn người dân kịp thời di dời và có các giải pháp khắc phục cụ thể khi có sự cố sạt lở xảy ra.

Ngoài ra, tổng hợp các điểm có nguy cơ cao về sạt lở để tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí ngân sách xây dựng các tuyến kè bảo vệ các khu dân cư, nhà cửa, hạ tầng giao thông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục