Ngày 11/1, tại Cần Thơ, lãnh đạo thành phố làm việc với đại diện Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, Tổ chức Clear Rivers về triển khai Dự án thí điểm thu gom rác trên sông Hậu.
Trình bày về dự án, ông Ramon Knoester, Giám đốc sáng lập Tổ chức Clear Rivers cho biết, mô hình thu gom rác thải trên sông Hậu bao gồm một cỗ máy Litter Traps (bẫy bắt rác) vận hành tự động không tốn nhiên liệu, theo cơ chế hút rác trôi nổi trên sông vào túi đựng.
Litter Traps dài 5,6m, rộng 2,3m và cao 2,4m, trong đó 1,5m chìm dưới nước. Mỗi tuần nhân viên của Clear Rivers sẽ dọn dẹp bẫy 2 lần, ước tính sẽ thu được khoảng 8 khối chất thải nhựa.
Lượng chất thải nhựa này sẽ được tái sử dụng bền vững, theo đúng mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, các sản phẩm tái sử dụng từ rác thải nhựa trôi nổi trên sông mà Clear Rivers đã chế tạo thành công có thể kể đến như: công viên nổi, đồ nội thất, vật liệu xây dựng...
Bên cạnh đó, dự án còn bao gồm công việc kết nối với các tổ chức giáo dục (trước mắt sẽ là Trường Đại học Cần Thơ) trong thiết kế các bài giảng và tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức của sinh viên, cộng đồng cư dân bản địa về vai trò và các hoạt động nhằm giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường.
Thông qua đó, mọi người sẽ cùng chung tay hành động, hướng tới giữ gìn hành tinh của chúng ta không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa một cách bền vững nhất.
Phó Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, ông Christoph Prommersberger cho biết, Hà Lan có rất nhiều doanh nghiệp có thế mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải trôi nổi trên sông, biển.
[Hạ thủy công cụ thu gom rác trên sông để làm sạch cửa biển ở Nam Định]
Các mô hình này đã được triển khai thành công tại một số quốc gia như Bỉ, Hungary, Indonesia, Malaysia… cũng như đang từng bước được thực hiện tại Cần Thơ.
Hà Lan mong muốn thông qua các dự án này sẽ giúp các quốc gia cùng nhau chung tay giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải nhựa gây ra.
Bên cạnh đó, sẽ mở ra nhiều hơn nữa các cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước nói chung, giữa Hà Lan và Cần Thơ nói riêng trong tương lai.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đánh giá cao ý nghĩa và vai trò của Dự án đối với Cần Thơ cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cũng như bày tỏ mong muốn Dự án nhanh chóng được khởi công trong thời gian sớm nhất.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam, thành phố Cần Thơ đã tiếp cận được một số nguồn tài trợ để triển khai dự án về thu gom, xử lý chất thải, góp phần bảo vệ môi trường.
Tiêu biểu là khoản viện trợ "Thu gom tự động rác nổi trên sông tại thành phố Cần Thơ" do Tổ chức "Làm sạch biển" (TOC) của Hà Lan viện trợ không hoàn lại.
Hiện, dự án đang trong giai đoạn vận hành thí điểm trên sông Cần Thơ, nhận được nhiều phản hồi tích cực của giới chuyên môn cũng như người dân.
Để Dự án thu gom rác thải trên sông Hậu phát huy hiệu quả một cách tốt nhất, ông Nguyễn Thực Hiện khuyến cáo Tổ chức Clear Rivers cần chú ý đến đặc điểm thời tiết 2 mùa khô và mưa, hướng gió và thủy triều của khu vực; cũng như phong tục, tập quán giao thông thủy của người dân địa phương... để tìm được điểm đặt cỗ máy Litter Traps một cách thích hợp nhất.
"Đối với lĩnh vực quản lý chất thải, nhất là việc nâng cao năng lực chất thải rắn sinh hoạt, phòng chống rác thải nhựa, thì thành phố Cần Thơ đặc biệt quan tâm và ủng hộ các hoạt động hợp tác nhằm chung tay bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng và phát triển một thành phố sinh thái, văn minh, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi mong rằng, dự án thí điểm thu gom rác trên sông Hậu của Tổ chức Clear Rivers sẽ là một điểm sáng trong mối hợp tác hữu nghị giữa thành phố Cần Thơ và Vương quốc Hà Lan, góp phần cải thiện chất lượng môi trường nước trên sông Hậu nói riêng và mục tiêu giải quyết tình trạng ô nhiễm rác thải ở các dòng sông trên thế giới nói chung," ông Nguyễn Thực Hiện nhấn mạnh./.