Cần Thơ: Gỡ bỏ biển cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe khách qua cầu Trần Hoàng Na

Chủ đầu tư và các ngành chức năng sẽ thống nhất các phương án tối ưu, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện lưu thông qua cầu và đường Trần Hoàng Na trong thời gian sớm nhất.

Đoàn xe đi qua cầu Trần Hoàng Na. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)
Đoàn xe đi qua cầu Trần Hoàng Na. (Ảnh: Ngọc Thiện/TTXVN)

Ngày 3/5, ông Nguyễn Văn Tho, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, chủ đầu tư cầu Trần Hoàng Na cho biết, Sở Giao thông vận tải thành phố sẽ có cuộc họp với các bên liên quan để thống nhất phương án xử lý biển cấm một số phương tiện qua cầu Trần Hoàng Na.

Những ngày qua, biển cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ lưu thông qua cầu Trần Hoàng Na từ hướng quận Cái Răng qua quận Ninh Kiều đã nhận được nhiều ý kiến từ các tài xế.

Nhiều tài xế cho rằng, cầu Trần Hoàng Na bắc qua sông Cần Thơ được xây dựng với kinh phí gần 800 tỷ đồng nhưng chỉ cho xe tải dưới 3,5 tấn và xe khách dưới 16 chỗ lưu thông là chưa hợp lý.

Chủ đầu tư cầu Trần Hoàng Na cho rằng, có hai lý do cấm một số phương tiện qua cầu. Thứ nhất, biển cấm trên được đặt trong thời gian thi công cầu, tuyến đường nối lên cầu và nút giao IC1.

Hiện nút giao này và cả các đường dân sinh dưới cầu vẫn đang trong quá trình thi công nên phải hạn chế một số phương tiện tải trọng lớn để đảm bảo an toàn cho việc đi lại và thi công.

Thứ hai, cầu Trần Hoàng Na từ phía bờ Cái Răng đi vào trung tâm thành phố, không thể thả nổi những phương tiện có tải trọng lớn qua lại mà không kiểm soát.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, quan điểm của Sở Giao thông Vận tải là sẽ tháo dỡ biển cấm xe tải trên 3,5 tấn và xe khách trên 16 chỗ qua cầu Trần Hoàng Na. Tuy nhiên, cần phải theo dõi để có phương án điều tiết giao thông hợp lý qua cầu này.

Cầu Trần Hoàng Na có thiết kế tải trọng HL93 đối với cầu đường bộ. Trong khi đó, tuyến đường Trần Hoàng Na nối vào dốc cầu phía quận Ninh Kiều hiện đang cấm xe tải trên 10 tấn và xe khách trên 30 chỗ (đoạn qua khu dân cư Hồng Phát và khu dân cư 91B).

Do đó, khả năng sẽ cấm một số phương tiện qua cầu như qua tuyến đường Trần Hoàng Na để đồng bộ trong công tác điều tiết, đảm bảo an toàn giao thông.

Chủ đầu tư và các ngành chức năng sẽ thống nhất các phương án tối ưu, đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện lưu thông qua cầu và đường Trần Hoàng Na trong thời gian sớm nhất.

Một lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ cho biết, cầu Trần Hoàng Na là cầu đô thị, đi qua các khu vực đông dân cư, trường học. Do đó, không thể thả nổi cho các phương tiện tải trọng lớn hướng từ phía quận Cái Răng (giao với Quốc lộ 1A) đi vào trung tâm thành phố mà không kiểm soát.

Bên cạnh đó, tại Km2+631 phía bờ Ninh Kiều, dải phân cách giữa đường chính dẫn lên cầu Trần Hoàng Na cần được nối liền vào dải phân cách của đường Trần Hoàng Na hiện hữu (do Ủy ban Nhân dân quận Ninh Kiều quản lý và khai thác) để không cho các phương tiện quay đầu tại dốc cầu nhằm đảm bảo an toàn giao thông.

Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với quận Ninh Kiều và các cơ quan có liên quan xem xét mở khoảng giãn cho phương tiện quay đầu tại vị trí trước hẻm 49 đường Trần Hoàng Na để đảm bảo an toàn giao thông và thuận tiện đi lại cho người dân trong khu vực.

Cầu Trần Hoàng Na được thông xe chính thức vào sáng 26/4. Công trình thuộc dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị, có tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới.

Cầu có chiều dài 820m bao gồm cả đường dẫn. Chiều rộng phía bờ Ninh Kiều là 37m, phía Cái Răng là 23m. Bề rộng cầu tại nhịp chính là 23m, nhịp biên là 29,3m, tại sàn vọng cảnh là 34,6m.

Độ cao thông thuyền là 7m, tĩnh không hai bên bờ là 4,75m. Cầu được thế kế dạng cầu vòm chạy giữa, gồm ba nhịp kết cấu theo 49m+150m+49m, tổng chiều dài cầu là 586,9m, vận tốc thiết kế 60 km/giờ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục