“Mặc dù ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 rất nặng nề nhưng ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã cố gắng xây dựng, nâng cấp nhiều sản phẩm du lịch địa phương, cũng như luôn xác định việc khôi phục và phát triển du lịch phải song song với thực hiện các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, cho người dân, du khách.”
[Giàn Gừa trăm tuổi hình thù kỳ quái ở miền Tây sông nước]
Đó là nhận định của Giám đốc Trung tâm Phát triển Du lịch Cần Thơ, ông Nguyễn Hoàng Ơn, trong khuôn khổ Hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch “Đến với Cần Thơ – Đô thị miền sông nước” chiều qua (ngày 18/11), tại Hà Nội.
Tây Đô đẩy mạnh liên kết với Thủ đô
“Cần Thơ gạo trắng nước trong/Ai đi đến đó lòng không muốn về.” Có lẽ câu ca ấy đã hằn in trong tâm thức của nhiều người mỗi khi nhắc đến vùng đất của bến Ninh Kiều thơ mộng.
Vốn được biết đến là “đô thị miền sông nước” với hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt và các khu chợ nổi rất độc đáo, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã được kiểm soát ở Cần Thơ, các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố đang dần tái khởi động.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, ông Dương Tấn Hiển, cho biết: “Cần Thơ là thành phố trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không rất thuận lợi cho giao thương và du lịch nên được biết đến là ‘đô thị miền sông nước.’ Đặc biệt, các điểm tham quan nổi tiếng của Cần Thơ như: Bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, các vườn cây ăn trái, nhiều công trình kiến trúc di tích nghệ thuật… luôn thu hút đông khách du lịch.”
Theo báo cáo tổng quan tình hình phát triển du lịch thành phố Cần Thơ năm 2020, khách du lịch đến thành phố đạt 5,6 triệu lượt, giảm 36,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch lưu trú đạt hơn 2 triệu lượt, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 3,2 tỷ đồng, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Phó Giám đốc sở Du lịch Hà Nội, ông Trần Trung Hiếu cho rằng lợi thế lớn cho liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và Cần Thơ chính là đường bay thẳng giữa hai tỉnh đang phát triển ổn định.
Ông Hiếu cũng đề xuất phương án để sự liên kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội-Cần Thơ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới: “Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác phát triển du lịch giữa 2 địa phương, lấy khách nội địa làm trọng tâm. Thành phố Hà Nội sẽ đề nghị các hiệp hội du lịch, cộng đồng doanh nghiệp du lịch Hà Nội và các địa phương tiếp tục đồng hành và hưởng ứng trong các hoạt động du lịch do hai thành phố triển khai.”
“Cần Thơ-An toàn và ấm áp”
Thời gian qua, thành phố Cần Thơ nói riêng và các địa phương cả nước nói chung đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép.” Trong đó, ngành du lịch tổ chức nhiều hoạt động nhằm kích cầu, phục hồi du lịch và bước đầu đạt được kết quả tích cực sau thời gian tạm dừng tổ chức các hoạt động đông người để phòng dịch COVID-19.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch Cần Thơ gồm các công ty lữ hành, vận chuyển, nhà hàng, khách sạn, điểm vườn, khu du lịch đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới và đặc sắc của đơn vị mình. Hầu hết đều nhận thức được việc phải tự làm mới mình để mang đến những sản phẩm hấp dẫn du khách nội địa trước viễn cảnh mịt mù của thị trường ngoại.
Cũng tại sự kiện, nhiều doanh nghiệp hai địa phương Cần Thơ và Hà Nội đã tìm hiểu, kết nối và tiến đến ký kết hợp tác nhằm mục đích chung vực dậy ngành du lịch sau thời gian “chết lâm sàng” bởi dịch bệnh.
Trước đó, đầu tháng 11, lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã ký ban hành kế hoạch tổ chức chương trình kích cầu du lịch năm 2020 với chủ đề “Cần Thơ-An toàn và ấm áp.”
Chương trình bắt đầu từ ngày 1/11/2020-31/1/2021, với mục đích tập trung thu hút du khách, phấn đấu tăng tổng thu từ du lịch trong những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch phục hồi các hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ban chỉ đạo chương trình kích cầu này cho biết tập trung khai thác tối đa thị trường nội địa, đặc biệt thu hút khách từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An và Thanh Hóa.
Kế hoạch kích cầu của thành phố Cần Thơ triển khai chủ yếu bằng cách giảm giá trực tiếp và tặng nhiều hình thức ưu đãi khác cho khách. Các nhóm thực hiện giảm giá gồm dịch vụ lưu trú; khu, điểm du lịch; dịch vụ vận chuyển; dịch vụ ăn uống; dịch vụ vui chơi giải trí…
Với những nỗ lực kích cầu và liên kết vùng này, lãnh đạo ngành thành phố Cần Thơ kỳ vọng có thể sớm phục hồi lại thị trường du lịch nội địa vốn sôi động ở địa phương, hấp dẫn du khách bằng những sản phẩm được làm mới, trải nghiệm thú vị hơn mà vẫn đảm bảo an toàn./.