Cần Thơ: Đẩy nhanh thi công kè chống sạt lở sông Ô Môn-Rạch Tra

Tổng chiều dài đoạn sông có nguy cơ sạt lở cao dài 430m, sạt lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trường tiểu học Thới Thạnh, một ngôi chùa Khmer từ thế kỷ 17 và tuyến đường giao thông nông thôn ven sông.
Hiện trường vụ sạt lở bờ kè sông Ô Môn tháng 4/2019 . (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Ngày 25/2, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cùng các sở, ngành liên quan đã đi kiểm tra công trình xây dựng kè chống sạt lở tại khu vực ngã ba sông Ô Môn và Rạch Tra, thuộc xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

Tổng chiều dài đoạn sông có nguy cơ sạt lở cao ở khu vực trên dài 430m. Sạt lở đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến Trường tiểu học Thới Thạnh, một ngôi chùa Khmer được xây dựng từ năm 1672 (chùa Phechavon Prek Sar Rạch Tra) và tuyến đường giao thông nông thôn ven sông.

Đoạn sạt lở nằm ngay vị trí đoạn sông cong, dòng chảy không ổn định, nước xoáy.

Kết quả khảo sát thực địa cho thấy dọc theo khu vực nói trên xuất hiện nhiều vết nứt, hàm ếch, nhiều nơi đã bị sạt lở và xảy ra thường xuyên hàng năm. Đặc biệt, có nhiều đoạn bờ sông đã được người dân gia cố cạm bằng cừ dừa, cừ tràm nhưng sạt lở vẫn diễn ra.

Công trình kè chống sạt lở tại khu vực ngã ba sông Ô Môn và Rạch Tra được Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 1600/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 10/8/2020 với tổng mức đầu tư trên 49 tỷ đồng.

Dự án được khởi công ngày 1/9/2020, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8/2021.

Đoạn kè có chiều dài 430m, điểm đầu ở kênh Rạch Tra, điểm cuối giáp Trường tiểu học Thới Thạnh, bao gồm các hạng mục như phần kè và đường giao thông sau kè, hệ thống thu thu, thoát nước.

Theo Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ-đại diện chủ đầu tư dự án, đến nay tiến độ thi công đã đạt 50% và giải ngân đạt trên 64%.

Thời gian tới, đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện bao tải cát để gia cố mái bờ sông, thảm đá, các hạng mục tường kè.

[Cần Thơ kiến nghị Trung ương hỗ trợ xây dựng 4 công trình chống sạt lở]

Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, phần kinh phí kết dư của dự án (khoảng 4 tỷ đồng) sẽ được dùng để gia cố các điểm sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao trên sông Ô Môn qua địa phận xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai với tổng chiều dài khoảng 300m.

Cũng theo ông Ninh, hiện nay, việc thi công đạt theo hồ sơ thiết kế được duyệt, đảm bảo chất lượng và tiến độ đề ra. Chủ đầu tư cũng thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp với đơn vị thi công, đơn vị giám sát, cố gắng vượt tiến độ so với kế hoạch.

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè yêu cầu chủ đầu tư tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng công trình và phố hợp cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đối với đơn vị thi công cần tập trung lực lượng, phương tiện cơ giới để xây dựng công trình hoàn thành đúng tiến độ đề ra, đặc biệt tranh thủ thời gian thuận lợi là mùa nước kém, thủy triều thấp xây dựng hoàn thành phần móng, kè, mái kè công trình trong thời gian sớm nhất để công trình đảm bảo chất lượng và hoàn thành theo kế hoạch…

Sông Ô Môn là tuyến sông chính có vai trò rất quan trọng trong mạng lưới giao thông thủy của thành phố Cần Thơ. Vì vậy, lưu lượng tàu thuyền trên sông rất lớn, đặc biệt là tàu có trọng tải lớn, tốc độ cao qua lại thường xuyên, gây ra sóng lớn.

Do bị sóng đánh thường xuyên nên mái bờ sông bị phá vỡ kết cấu, sinh ra các hàm ếch dẫn đến sạt lở.

Ngoài các vị trí sạt lở qua địa phận huyện Thới Lai, điểm đầu của sông Ô Môn tại khu vực giáp với sông Hậu (phường Thới An, quận Ô Môn) từng nhiều lần bị sạt lở trong những năm gần đây, cuốn trôi hàng chục căn nhà của người dân.

Hiện, một số điểm sạt lở nguy hiểm trên tuyến sông này đã được thi công bờ kè chống sạt lở, giúp bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục