Cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng làm ba đoạn khép kín Vành đai 2 TP.HCM

Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai ba đoạn còn lại dài 11,3km để khép kín Đường Vành đai 2, từ nay đến năm 2030.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Huyền Trang/TTXVN)

Ngoài một đoạn đang được triển khai theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), Thành phố Hồ Chí Minh cần thêm hơn 30.000 tỷ đồng để triển khai ba đoạn còn lại dài 11,3km để khép kín Đường Vành đai 2 Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trong văn bản khẩn vừa gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện các dự án khép kín Vành đai 2, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Vành đai 2 dài khoảng 64km, quy mô 6-10 làn xe. Đến nay, tuyến đường đã đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác khoảng 50km, vẫn còn 14km chưa khép kín, chia làm bốn đoạn.

Trong số bốn đoạn trên, hiện chỉ đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa dài 2,7km đã được triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT với tổng vốn hơn 2.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dự án dừng thi công từ tháng 3/2020 (mới đạt 44% khối lượng) do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án. Dự kiến đoạn này sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng năm 2024 và hoàn thành thi công năm 2025.

Các đoạn còn lại vẫn chưa được triển khai và đang được nghiên cứu phương án đầu tư từ ngân sách thành phố. Cụ thể, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) dài 3,5km, hiện Sở Giao thông Vận tải đã cập nhật, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng; trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 6.675 tỷ đồng.

Hội đồng Thẩm định Thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến trình Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp sắp tới.

[Gần 10.000 tỷ đồng làm hơn 3,5km đường Vành đai 2 TP.HCM]

Dự án dự kiến lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý 1 năm 2024; hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quý 2 năm 2025; khởi công quý 2 năm 2025 và thi công, hoàn thành trong quý 4 năm 2026.

Đoạn 2 (từ đường Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng) dài 2,8km cũng được Sở Giao thông Vận tải hoàn tất hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng vốn 4.543 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.956 tỷ đồng).

Sở này kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, cân đối nguồn vốn ngân sách thành phố (bao gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm), từ đó tham mưu, đề xuất thành phố xem xét bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đầu tư thực hiện dự án.

Trường hợp chưa cân đối được vốn ngân sách, kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương đầu tư theo phương thức đầu tư khác ngoài vốn ngân sách thành phố (bao gồm nghiên cứu các phương thức đầu tư BT trả chậm bằng ngân sách theo Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh).

Sở Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố trình Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét, quyết định chủ trương đầu tư (dự kiến trong quý 4 năm 2023) để triển khai thực hiện, hoàn thành dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2027.

Đối với đoạn 4 dài 5,3km từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỷ đồng (chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 13.190 tỷ đồng), Sở Giao thông Vận tải cũng cơ bản hoàn thành lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Tuy nhiên, Thành phố chưa dự kiến cân đối nguồn vốn nên chưa có cơ sở để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.

Với khó khăn về vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải đề xuất phân kỳ đầu tư đoạn 4 theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2023-2027), đầu tư đoạn từ Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài 3,4km, tổng mức đầu tư khoảng 8.972 tỷ đồng. Giai đoạn 2 (năm 2026-2030) sẽ thực hiện đoạn từ Quốc lộ 1 đến đường Võ Văn Kiệt dài 1,9km, tổng mức đầu tư 7.445 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 1, Sở Giao thông Vận tải đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố giao các sở ngành tham mưu, đề xuất bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện.

Trường hợp chưa cân đối được nguồn vốn ngân sách, kiến nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận thực hiện đầu tư theo phương thức đầu tư khác ngoài vốn ngân sách thành phố (bao gồm nghiên cứu các phương thức đầu tư BT trả chậm bằng ngân sách)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục