Cần thêm chính sách hỗ trợ cho mỗi loại hình doanh nghiệp

Giới phân tích cho rằng cùng với việc tận dụng những dư địa chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, vẫn cần có thêm chính sách hỗ trợ cho mỗi loại hình doanh nghiệp.
Công nhân làm khuôn nhựa sản xuất giày da tại thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Hồng Đạt/ TTXVN)

Khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp sẽ chưa dừng lại khi một tỷ lệ rất lớn đối mặt với áp lực chi phí vốn, cạnh tranh tăng cao.

Giới phân tích cho rằng cùng với việc tận dụng những dư địa chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, vẫn cần có thêm chính sách hỗ trợ cho mỗi loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần có giải pháp sẵn sàng ứng phó với những diễn biến khó lường của thị trường nửa cuối năm.

Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, kinh tế 6 tháng đầu năm nay đã có nhiều nét khởi sắc ở một số ngành nghề hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu và một số thị trường lớn như ngành điện tử, gỗ, dệt may, da giày, du lịch, xuất khẩu, nông nghiệp.

Đối với những ngành nghề này, điều quan trọng nhất là làm sao để phục hồi một cách bền vững. Hay đối với doanh nghiệp du lịch, việc cần làm là nâng chất lượng dịch vụ, sản phẩm để thu hút du khách, nâng mức chi tiêu của du khách.

Tóm lại với mỗi nhóm ngành, lĩnh vực khác nhau, sự tiếp cận, hỗ trợ sẽ khác chứ không phải một hình thức hỗ trợ áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua các luật như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023, có hiệu lực sớm hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, cần triển khai thực tế như thế nào để nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường bất động sản.

Nhìn tổng thể từ đầu năm đến nay, đầu tư tư nhân ở trong nước vẫn khá chậm. Do đó, cần có một chính sách để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa, an toàn hơn nữa, để cho đầu tư tư nhân phục hồi như trước đây, đồng thời đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những tháng cuối năm và trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm hơn nữa giúp doanh nghiệp và người dân tận dụng được những cơ hội khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực kinh tế số, không gian tăng trưởng mới đang được hình thành.

Đồng thời, thêm chính sách mang tính chất cơ chế thực hiện có kiểm soát để những người khởi nghiệp yên tâm hơn khi bắt đầu kinh doanh, mặt khác giảm bớt rủi ro pháp lý khi thực hiện các dự án đầu tư, từ đó kích thích được tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.

Đóng gói gạo xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Huy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinafood 2, với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, người lao động, Tổng công ty đã thực hiện quyết liệt trên tất cả mọi phương diện, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh.

Trong nước, sản xuất lúa gạo cả nước năm 2024 được dự báo ở mức 43,4 triệu tấn, giảm khoảng 35.000 tấn so với năm 2023 do điều kiện thời tiết.

Dự báo nhu cầu năm 2024 tiếp tục là một năm có tín hiệu tốt đối với xuất khẩu gạo Việt Nam. Ngoài gạo thơm và gạo chất lượng đang tăng trưởng tốt trong những năm gần đây thì năm 2024 nhu cầu gạo trắng tiếp tục có xu hướng tăng cao ở các thị trường truyền thống như Malaysia và Indonesia.

Tính từ đầu năm 2024 đến ngày 18/6/2024, Việt Nam đã thông quan 4,3 triệu tấn gạo, tăng 410 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2023. Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là Philippines, Malaysia, Indonesia và châu Phi.

Cụ thể, kết quả 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng gạo mua vào toàn Tổng công ty là khoảng 816.000 tấn, đạt 87,25% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện khoảng 336 triệu USD, đạt 78,37% so kế hoạch năm, bằng 110,08% so với cùng kỳ. Doanh thu ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 toàn Tổng công ty là khoảng 11.363 tỷ đồng, đạt 66,43% so với kế hoạch năm, bằng 107,22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế Tổng công ty ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 lãi 56,016 tỷ đồng, đạt 53,27% kế hoạch năm. Nộp ngân sách ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 là 82,936 tỷ đồng bằng 99,52% so với cùng kỳ.

Dự báo tình hình thị trường nửa cuối năm sẽ có nhiều diễn biến khó lường. Tổng công ty xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2024 với một số chỉ tiêu chính như sau: sản lượng quy gạo mua vào phấn đấu đạt 320.152 tấn; sản lượng gạo bán ra đạt 399.490 tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 192,093 triệu USD; doanh thu đạt 7.705,977 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 44,602 tỷ đồng; nộp ngân sách 67,936 tỷ đồng.

Trên cơ sở kế hoạch đó, Tổng công ty tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển thị trường, sản phẩm; công tác đầu tư; tổ chức bộ máy, nhân sự; tập trung triển khai thực hiện kế hoạch Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, đồng thời chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu tối đa rủi ro có thể xảy ra.

Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng giám đốc Vinachem cho biết mặc dù có rất nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan, nhưng doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn 6 tháng đầu năm ước đạt 29.595 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 815 tỷ đồng. Với kết quả này, Vinachem đã nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 561 tỷ đồng.

Xu hướng kinh tế chủ đạo trong thời gian tới được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá vẫn là nguồn cung tăng, nhu cầu chưa được cải thiện đi đôi với giá cả hàng hóa chưa có dấu hiệu tăng mạnh mẽ trở lại.

Đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các đơn vị trong Tập đoàn 6 tháng cuối năm. Đối mặt với những khó khăn và thách thức nêu trên, Vinachem và các đơn vị thành viên đề ra mục tiêu doanh thu 6 tháng cuối năm 2024 đạt 26.961 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 56.556 tỷ đồng; lợi nhuận 6 tháng cuối năm 2024 đạt 1.095 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 đạt 1.911 tỷ đồng.

Để đạt được những mục tiêu trên, Tập đoàn tiếp thu và sẽ triển khai theo chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quyết tâm khởi động dự án muối mỏ Lào ngay trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Tập đoàn tiếp tục triển khai xây dựng kế hoạch khai thác, chế biến quặng apatit giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2040 theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ; triển khai đề án tái cơ cấu tài chính tại 3 dự án phân bón: Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2, sớm đưa các dự án ra khỏi danh sách yếu kém; đẩy mạnh tái cơ cấu Sovigaz và Xà phòng Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục