Gỡ "nút thắt" để nhà khoa học sống được bằng khoa học

Cần tháo gỡ "nút thắt" để nhà khoa học sống được bằng khoa học

Lương bổng thấp, phải xoay sở đủ cách để nuôi sống gia đình, nhiều nhà khoa học trẻ không có điều kiện chuyên tâm cho nghiên cứu. Muốn làm khoa học tốt, môi trường làm việc hết sức quan trọng.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Bộ KHCN)

Lương bổng thấp, phải xoay sở đủ cách để nuôi sống gia đình, nhiều nhà khoa học trẻ không có điều kiện chuyên tâm cho nghiên cứu. Muốn làm khoa học tốt, môi trường làm việc hết sức quan trọng.

​Tiến sỹ Đỗ Ngọc Đài là cán bộ trẻ duy nhất nghiên cứu lĩnh vực thực vật học tại Khoa Nông Lâm Ngư, Trường Đại học kinh tế Nghệ An. Do đặc thù của lĩnh vực thực vật học là nghiên cứu sinh học, hóa học, xác định nguồn gen, định danh các loài cây cỏ gắn liền với những nơi có thảm thực vật phong phú nên tỉnh Nghệ An là nơi thích hợp để Tiến sỹ Đài thực hiện nghiên cứu của mình.

Tuy nhiên, trang thiết bị ở đây còn quá đơn sơ, muốn triển khai thí nghiệm, Đài phải liên kết với nhiều trung tâm nghiên cứu khác. Không những thiếu thốn về điều kiện làm việc, xoay xở cho đủ kinh phí nghiên cứu cũng là một khó khăn không nhỏ đối với nhà khoa học trẻ này.

Anh cho biết: “Thông thường môi trường xung quanh chúng ta đã được nghiên cứu rồi, chúng ta phải đi sâu hơn ở trong rừng, do vậy kinh phí nghiên cứu là quan trọng nhất. Về công bố, không phải tạp chí nào cũng có thể công bố được, có bài báo cần đến 500 USD, thậm chí 1.000 USD để đăng tải. Nhờ có sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài mà chúng tôi mới công bố bài báo của mình. Một khó khăn nữa là thiết bị máy móc. Chúng tôi thường phải liên kết với nước ngoài để họ tài trợ một phần.”

Ngoài công việc nghiên cứu, tiến sỹ Đài cũng phải dành thời gian cho công tác giảng dạy. Mặc dù đã được nhà trường tạo nhiều điều kiện nhưng việc giảng dạy cũng đã làm hạn chế phần nào việc nghiên cứu, bởi anh khó có thể bố trí những chuyến công tác khảo sát dài ngày.

Một điều nữa mà tiến sỹ Đài trăn trở, đó là những cán bộ trẻ như anh chưa được tham gia các đề tài khoa học cấp tỉnh, dù về mặt kinh nghiệm, anh hoàn toàn có thể đảm đương được. Anh tâm sự: “Là một nhà khoa học trẻ, chúng tôi chỉ mong Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ tạo điều kiện cho chúng tôi tiếp xúc với những đề tài, dự án dù chỉ một phần nội dung. Về thủ tục hành chính thanh quyết toán, tôi cũng mong nên giảm bớt rườm rà.”

Trên thực tế, để thu hút các nhà khoa học trẻ về Nghệ An làm việc không phải dễ dàng, bởi lẽ, ngoài việc trả lương cao, điều mà các nhà khoa học trẻ cần hơn, đó là có một môi trường tốt để phát huy hết khả năng nghiên cứu của mình. Câu chuyện của tiến sỹ Đỗ Ngọc Đài không phải là chuyện hiếm trong giới khoa học trẻ.

Khi đến thăm Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), tôi gặp nhiều trường hợp như tiến sỹ Đỗ Ngọc Đài. Một nhà khoa học bị phân nhiều vai là tình trạng chung của các nhà khoa học trẻ tại đây và nhiều đơn vị nghiên cứu khác hiện nay.

Theo ​tiến sỹ Phan Thị Hà Dương, Trưởng phòng cơ sở toán học của tin học (Viện Toán học), thu nhập không đủ sống cho mọi người và đây là một khó khăn lớn. Điều kiện để được tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế cũng rất khó. Nhiều bạn trẻ phải làm những việc khác để có thêm thu nhập. Khi thực hiện đề tài, việc hoàn thành hồ sơ, thủ tục chiếm rất nhiều thời gian của những người làm khoa học.

“Nếu những bất cập ấy được giải quyết thì rất tốt cho chúng tôi” – tiến sỹ Dương bộc bạch.

Đối với tiến sỹ trẻ Nguyễn Thị Hương, một trong nhiều học trò của tiến sỹ Phan Thị Hà Dương, cô cảm thấy rất thích thú với mô hình làm việc theo nhóm mà các nhà khoa học ở Viện Toán học đang triển khai, giúp những bạn trẻ như cô trưởng thành nhanh chóng. Tuy nhiên, mức lương dành cho những tiến sĩ trẻ ở Pháp về nước như cô cũng dừng ở mức 3 triệu đồng/tháng. Cô cũng không chắc chắn liệu thời gian tới, cô sẽ gắn bó với Viện Toán học nữa hay không.

Vậy làm sao để các nhà khoa học gắn bó với nghề, để họ có thể sống được bằng nghiên cứu của mình? Đây là câu hỏi thường gặp và thực sự khó trả lời, vì tại thời điểm này ở Việt Nam, có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động, chưa kể hoàn cảnh của mỗi người. Thực tế cho thấy, với thu nhập bao gồm cả lương và phụ cấp xấp xỉ 4 triệu/tháng cho một tiến sỹ khi về nước sẽ không đủ cho nhu cầu tối thiểu chứ chưa nói đến việc tạo cho họ động lực để nghĩ xa hơn trong sự nghiệp.

Thạc sỹ Lương Trung Sơn (Học viện Kỹ thuật Quân sự) còn cho rằng, cái cần để thu hút nhà khoa học trẻ là môi trường làm việc thuận lợi, minh bạch, cạnh tranh cũng như có nhìn nhận, đánh giá chính xác để người tài có thể yên tâm, mong muốn phấn đấu và khẳng định mình. Với các ngành khoa học kỹ thuật, hiện nay cơ sở vật chất phòng thí nghiệm còn hạn chế, thiếu đầu tư theo chiều sâu, thiếu sự liên kết giữa các lĩnh vực làm giảm khả năng phát triển nghiên cứu và phát huy chuyên môn của nhà khoa học. Ngoài ra, cơ chế hành chính và tài chính còn nhiều bất cập, rườm rà gây lãng phí thời gian, kinh phí đầu tư và làm giảm sự chuyên tâm, nhiệt huyết của các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu.

Nhằm thu hút các nhà khoa học tài năng, trong đó có nhà khoa học trẻ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học công nghệ. Nghị định đã tạo ra một số cơ chế chính sách mới cho các nhà khoa học trẻ.

​Tiến sỹ Dương Tuấn Hưng (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) hy vọng, với việc cụ thể hóa bằng các điều luật, cơ chế và chính sách mà Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng trong thời gian qua, điều kiện đãi ngộ với các nhà khoa học trẻ sẽ thay đổi theo hướng tích cực, thu hút thêm nhiều nhà khoa học lựa chọn về làm việc và cống hiến cho đất nước.

Muốn làm khoa học tốt, công tác thu hút, tạo môi trường làm việc cho các nhà khoa học giỏi hết sức quan trọng. Hằng năm, nước ta có một đội ngũ rất đông các nhà khoa học trẻ ra nước ngoài nghiên cứu. Tuy nhiên, một số người sau khi về nước thường không có “sân chơi,” không được trọng dụng nên rẽ sang hướng khác hoặc lại tiếp tục ra nước ngoài. Chính vì vậy, Nhà nước cần có một chính sách rõ ràng để cho những nhà khoa học trẻ có cơ hội khẳng định mình khi về nước làm việc lâu dài, còn những nhà khoa học trẻ tài năng ở trong nước có thêm động lực phấn đấu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục