Cần thận trọng với việc xây công trình cao 40-70 tầng ở ga Hà Nội

Mới đây thành phố Hà Nội có đề xuất xin ý kiến quy hoạch ga Hà Nội và phụ cận được xây dựng các công trình cao từ 40 đến 70 tầng.
Cần thận trọng với việc xây công trình cao 40-70 tầng ở ga Hà Nội ảnh 1(Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mới đây thành phố Hà Nội có đề xuất xin ý kiến quy hoạch ​ga Hà Nội và phụ cận được xây dựng các công trình cao từ 40 đến 70 tầng.

Sau khi văn bản được đưa ra đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều về việc đòi hỏi các cơ quan bộ ngành có thẩm quyền cần phải cân nhắc kỹ lưỡng từ chủ trương đến khi triển khai thực hiện.

Liệu có phá vỡ quy hoạch chung?

Theo tìm hiểu hiện nay, tại Hà Nội có khoảng 300 nhà cao tầng, trong đó có khoảng 100 chung cư. Nhiều người cho rằng như vậy Hà Nội đã quá tải nhà cao tầng, trong khi đó khu vực ​ga Hà Nội lại xây thêm nhiều khối nhà cao tầng nữa dẫn tới quá tải hạ tầng xã hội.

Hiện nay khu vực đường Lý Thường Kiệt, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... quanh ​ga Hà Nội đã khá đông, thậm chí ách tắc trong giờ cao điểm.

“Khi các tòa nhà cao ốc đi vào hoạt động, mỗi tòa có hàng trăm, thậm chí cả nghìn người sinh sống, làm việc thì không biết câu chuyện giao thông sẽ được giải quyết như thế nào khi việc tắc đường chắc chắn sẽ xảy ra ở mức nghiêm trọng hơn hiện nay," anh Nguyễn Văn Dũng nhà ở quận Đống Đa đặt câu hỏi.

Còn theo kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, ông cho rằng, thành phố phải tôn trọng những quy định đã đặt ra về tầng cao quy hoạch, cũng như kiến trúc công trình.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng bày tỏ không đồng tình trước đề xuất xây nhà 40-70 tầng ở khu vực ga Hà Nội vì sẽ gây ra sự đột biến về không gian của Hà Nội ở nội đô lịch sử, làm gia tăng dân số, tăng áp lực giao thông trong khu vực.

Ông Đào Ngọc Nghiêm cũng đặt câu hỏi tại sao phải xây dựng cao tầng ở khu vực ​ga Hà Nội?

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng bày tỏ băn khoăn: "Khi làm trung tâm thương mại quốc tế, khu tài chính, Hà Nội cần phải làm rõ việc xây dựng các tòa nhà như vậy phù hợp cảnh quan hay không và đem lại lợi ích gì cho xã hội. Mọi thứ phải được chứng minh rõ, cho dư luận được đóng góp, phản hồi ý kiến."

Theo nhiều chuyên gia, nếu xây dựng các công trình có chiều cao từ 40-70 tại khu vực theo đồ án đề xuất sẽ làm gia tăng dân số, đi ngược mục tiêu giảm dân cư nội đô, giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội.

Trong khi đó, hiện nay thành phố có nhiều chung cư cũ xuống cấp đang chuẩn bị được đề xuất xây dựng lại nhưng vướng vào chiều cao khống chế nên nhiều nhà đầu tư ngại ngần thực hiện.

Vậy mà, ở khu vực ​ga Hà Nội lại được đề xuất xây cao tới 70 tầng liệu rằng có phá vỡ quy hoạch chung của 4 quận nội thành hay không?

[Hà Nội quy định dự án xây dựng mới bắt buộc phải có hầm đỗ xe]

Tái thiết đô thị cần ý kiến cộng đồng

Nhiều người cho rằng, hiện nay Hà Nội đang cần những điểm nhấn trong khu vực nội thành, không chỉ về kiến trúc cảnh quan mà còn về cả những tiện ích phục vụ nhu cầu sinh hoạt giao lưu phát triển kinh tế-xã hội.

“Hình thành khu thương mại quốc tế ngay tại khu vực ​ga Hà Nội sẽ tạo cơ hội cho thành phố thu hút nguồn lực đầu tư, đồng thời tiện lợi cho việc mua sắm các vật dụng cần thiết có chất lượng quốc tế,” chị Đỗ Minh Anh nhà ở Hai Bà Trưng nhận định.

Một số người cũng kỳ vọng, khi tái thiết lại khu vực Ga Hà Nội, không chỉ làm thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân Hà Nội mỗi khi đi lại tới các tỉnh, thành bởi ở đó sẽ có tổ hợp giao thông: đường bộ, đường sắt, đường ngầm được bố trí thông minh, hợp lý tỏa đi tất cả các hướng.

Theo một vị cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, đồ án trên được lập dưới sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản). Sở dĩ thành phố lựa chọn đơn vị trên là do Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện tổ hợp giao thông, đường bộ, đường sắt, đường ngầm.

Hơn nữa, Nhật Bản là đất nước thực hiện rất bài bản hệ thống giao thông ngầm thông minh, nên thành phố có thể tận dụng những ưu điểm từ phía Nhật Bản để áp dụng vào tái thiết khu vực ​ga Hà Nội.

Vị cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết thêm, đơn vị tư vấn chỉ làm việc duy nhất là tư vấn chứ không vì một mục đích gì khác. Quá trình thẩm định các khâu, thủ tục liên quan đế quy hoạch được Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên báo cáo với cấp có thẩm quyền về tiến độ thực hiện đồ án, quy trình nên ngăn ngừa lợi ích nhóm trong quy hoạch.

Trả lời câu hỏi, vì sao lại xây dựng cao tầng ở khu vực ​ga Hà Nội, vị cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, khu vực ​ga Hà Nội là đầu mối quan trọng tập trung nhiều đầu mối cả đường bộ, đường sắt, đường hầm nên việc như ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng đều được tính toán kỹ và có phương án giải quyết hợp lý.

Khu vực ​ga có đủ điều kiện để phát triển thành một tổ hợp hiện đại mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai nên việc xây dựng nhà cao tầng sẽ phát huy được giá trị của đất.

"Không chỉ dừng lại ở việc xin ý kiến các bộ ngành, thời gian tới đây đồ án sẽ được xin ý kiến cộng đồng, để tồng hợp, để xin ý kiến Thủ tướng về đồ án," vị cán bộ Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thông tin.

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000 thuộc quận Đống Đa gồm các phường Văn Miếu, Quốc Tử Giám, Hàng Bột, Văn Chương, Khâm Thiên; quận Hoàn Kiếm gồm phường Cửa Nam; quận Ba Đình có phường Điện Biên; quận Hai Bà Trưng có phường Nguyễn Du.

Tổng diện tích đất trong phạm vi lập quy hoạch khoảng 98,1ha; dân số dự kiến 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người). Theo đề xuất này, khu vực quanh ga Hà Nội kể trên sẽ có thể được xây dựng từ 40 đến 70 tầng được phân thành nhiều khu vực khác nhau.

Qua đề xuất của Hà Nội cũng cần các bộ ngành phải thận trọng hơn trước khi có ý kiến bởi trên thực tế triển khai các dự án trên địa bàn Hà Nội cho thấy có những dự án đã được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng khi triển khai lại vấp phải dư luận và buộc phải điều chỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục