Cần thận trọng hơn trong "ứng xử" với di sản hồ Hoàn Kiếm

Liên quan việc thả thiên nga vào hồ Hoàn Kiếm, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần thận trọng trong "ứng xử" để phù hợp giá trị và chiều sâu văn hóa của di sản này.
Bầy thiên nga đen và trắng tại hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Vừa qua, một số cá thể thiên nga đã được thả vào hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Việc làm này đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Dù sau đó, các cá thể thiên nga đã được di chuyển đến một địa điểm khác song từ sự việc này nhiều người tỏ ra băn khoăn bởi hồ Hoàn Kiếm vốn được coi là nơi linh thiêng, hơn nữa hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn còn là Di tích quốc gia đặc biệt.

Các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan của di sản hồ Hoàn Kiếm là không thể phủ nhận. Từ nhiều năm qua, nơi đây hồ đã là điểm đến thu hút đông đảo người dân và du khách. Quan trọng hơn, trong tiềm thức người dân, di sản hồ Hoàn Kiếm được coi "viên ngọc quý" cần được trân trọng, gìn giữ. Bởi thế, việc xuất hiện đột ngột các cá thể thiên nga ở hồ trong những ngày giáp Tết Nguyên đán 2018 khiến nhiều người cảm thấy băn khoăn.

Phó giáo sư, tiến sỹ Hà Đình Đức, thành viên Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, người có nhiều năm gắn bó với hồ Hoàn Kiếm cho rằng, đây là di sản văn hóa gắn với những truyền thuyết linh thiêng nên không thể tùy tiện đưa bất cứ thứ gì vào hồ. Dù thiên nga đẹp nhưng vẫn là sinh vật ngoại lai, không nên đưa vào hồ Hoàn Kiếm do không phù hợp với các giá trị của hồ.

[Tranh cãi trái chiều thả thiên nga trên hồ Hà Nội: Tiếp hay dừng?]

Cũng theo phó giáo sư, tiến sỹ Hà Đình Đức, nếu thả thiên nga tạm thời vào dịp Tết Nguyên đán để tạo cảnh quan, phục vụ người dân vui chơi, thưởng lãm thì có thể được nhưng không thể thả lâu dài.

Dưới góc độ nhà quản lý văn hóa, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, hồ Hoàn Kiếm là không gian linh thiêng luôn được coi trọng, gìn giữ. Đây cũng là khu vực bảo vệ cấp I của di tích quốc gia đặc biệt. Mọi hoạt động liên quan đến hồ phải theo Luật Di sản Văn hóa. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chưa nhận được thông báo hay bất cứ văn bản nào từ phía đơn vị đã tiến hành thả thiên nga.

Đây không phải là lần đầu tiên hồ Hoàn Kiếm chịu sự tác động từ những hành động mang tính chủ quan. Di sản này đã từng có lần phải chịu sự ảnh hưởng từ các công trình xây dựng xung quanh không phù hợp với cảnh quan chung.

Ngoài ra, góc phía Bắc hồ Hoàn Kiếm còn từng được thả sen trên một diện tích tương đối rộng, biến hồ thành “ao làng,” sau đó cơ quan chức năng đã phải nhổ sen. Bên cạnh đó, tại hồ Hoàn Kiếm, khi thực hiện việc phóng sinh, nhiều người đã vô tình thả cả rùa tai đỏ - sinh vật ngoại lai có hại, ảnh hưởng hệ thủy sinh dưới hồ…

Thực tế, thành phố Hà Nội và quận Hoàn Kiếm đã có nhiều chương trình, dự án, đề án bảo tồn, phát huy giá trị không gian kiến trúc, văn hóa, lịch sử hồ Hoàn Kiếm. Cảnh quan kiến trúc hồ Hoàn Kiếm cần được trân trọng, giữ gìn. Mặt nước hồ, hàng cây xanh cổ thụ, các kiến trúc mang dấu ấn lịch sử như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc, Tháp Bút, Đài Nghiên, đền Bà Kiệu, tháp Hòa Phong…đều cần được gìn giữ, bảo tồn.

Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ dự án "Xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm" nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản hồ Hoàn Kiếm.

Mới đây, Thành phố vừa hoàn thành nạo vét hồ Hoàn Kiếm, tạo môi trường nước trong xanh cho hồ. Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực bảo tồn, tôn tạo không gian chung, việc "ứng xử" với hồ Hoàn Kiếm ra sao để phù hợp với các giá trị và chiều sâu văn hóa lịch sử của di sản là điều các cơ quan chức năng cần cân nhắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục