Thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam ”, có thể nhận thấy người tiêu dùng đã có chuyển biến rõ rệt trong hành vi tiêu dùng, dành sự quan tâm và ưu tiên lựa chọn hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trên thực tế, để hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, thương hiệu doanh nghiệp trong nước uy tín ăn sâu vào tiềm thức và thói quen mua sắm của người tiêu dùng lại không dễ dàng chút nào.
Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, sau 6 năm triển khai cuộc vận động, có tới 90% người tiêu dùng rất quan tâm đến cuộc vận động và 70% người tiêu dùng ưu tiên trong việc sử dụng. Tuy nhiên, bà Nga cũng thừa nhận, vẫn còn số lượng không nhỏ người tiêu dùng thiếu nhiều thông tin về các hàng Việt Nam có uy tín và các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra được các sản phẩm đạt chất lượng quốc gia, chất lượng quốc tế vượt qua rào cản kỹ thuật của các quốc gia khó tính của EU, Mỹ...
Tại hội chợ, triển lãm Tuần nhận diện hàng Việt Nam, anh Tạ Hoàng Long, ở tại Kim Mã Thượng (Hà Nội) cho biết, thông qua hội chợ, anh đã biết được nhiều hơn thông tin và sản phẩm của doanh nghiệp. Nhưng anh Long cũng lo ngại về việc gặp nhiều khó khăn khi lựa chọn hàng hóa trên thị trường. Bởi những thương hiệu uy tín của Việt Nam hiện cũng bị làm giả, làm nhái, trà trộn hàng kém chất lượng khá nhiều.
Tuần nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam được Bộ Công Thương triển khai mới đây đã gặt hái được nhiều thành công. Đây là kênh quan trọng để kết nối thông tin giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp, sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm uy tín, chất lượng. Qua đây, người tiêu dùng cũng biết đến Việt Nam có hàng chục doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa có chất lượng toàn cầu; hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được giải thưởng lớn của Nhà nước như thương hiệu quốc gia, chất lượng quốc gia, sản phẩm dịch vụ tiêu biểu.
Dẫn chứng về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc SaiGon Coop Mart cho hay, thông thường trước cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có khoảng 200.000 lượt khách/ngày tham gia mua hàng trên hệ thống, nhưng sau cuộc vận động thì năm nay đã có hơn 400.000 lượt khách.
Ngay từ những ngày đầu tổ chức chương trình người tiêu dùng và hàng hóa chất lượng cao thì lúc đó chỉ có 28 nhà cung cấp tham gia hệ thống Coop Mart. Trước chương trình Tuần nhận diện hàng Việt Nam và thực hiện cuộc vận động thì có 150 nhà cung cấp tham gia nhưng tới tới nay, Coop Mart đã có 600 nhà cung cấp tham gia cùng. Điều đó cho thấy, không chỉ người tiêu dùng, mà cả các doanh nghiệp cũng đã quan tâm hơn tới thương hiệu và hình ảnh hàng Việt trên thị trường.
“Nhà bán lẻ là cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất với người tiêu dùng. Một sản phẩm có thương hiệu, chất lượng được đưa vào chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị trước hết sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và tin tưởng khi sử dụng, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng tốt nhất. Ngược lại, sản phẩm tốt sẽ giúp thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp được nâng cao, chiếm được lòng tin của người tiêu dùng,” ông Nhân nói.
Nhiều doanh nghiệp và các chuyên gia cho hay, xây dựng thị phần và thương hiệu phải xuất phát tại quốc gia làm ra sản phẩm. Trong đó đòi hỏi thị phần của thương hiệu đó; xây dựng thương hiệu, nhận thức của người tiêu dùng, ưu tiên sử dụng hàng hóa đó; sau đó là xây dựng được tâm phần trong người tiêu dùng, để khi người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng sản phẩm là nghĩ đến dùng hàng trong nước.
Theo ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam , để hàng Việt có thể ăn sâu vào tiềm thức và hành vi mua sắm của người tiêu dùng là vấn đề hết sức khó khăn. Doanh nghiệp Việt muốn xây dựng được thương hiệu thì trước hết phải xây dựng thương hiệu sản phẩm trên đất Việt Nam và có người Việt Nam ủng hộ. Qua 6 năm thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" , các doanh nghiệp ngành may mặc đã có bước tiến quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt.
Ông Lê Tiến Trường cũng cho rằng, khó khăn nhất hiện nay, để hàng hóa đến với người tiêu dùng và chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, mấu chốt phải giải quyết được hàng giả, hàng nhái và sự cạnh tranh không bình đẳng.
Trong hội nhập, hàng hóa sẽ có nhiều nguồn hàng cạnh tranh, áp lực khiến các doanh nghiệp phải có sản phẩm thực sự tốt, chất lượng và giá cả hợp lý. Nhưng đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Điều doanh nghiệp mong muốn là các sản phẩm trên thị trường phải được cạnh tranh bình đẳng, loại bỏ hàng lậu, trốn thuế... để không làm ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, hệ thống chính sách phải tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong - ngoài trong nước.
Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã tổ chức và mời nhiều nhà phân phối như Sài gon Coop Mart, Fivi Mart, Big C, Lotte Mart, Aeon... để tạo cầu kết nối cung ứng hàng hóa. Qua theo dõi, những đơn vị bán hàng Việt đều phát triển tốt. Chẳng hạn như Công ty Saigon Co.op, vươn lên là 1 trong 200 nhà bán lẻ hàng đầu của châu Á Thái Bình Dương. Đây là những việc mà Bộ có thể hỗ trợ các nhà bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất đưa hàng đến người tiêu dùng tốt nhất, để cả 3 bên cùng có lợi: Đơn vị bán hàng, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Ngoài ra, để đảm bảo sản xuất kinh doanh và cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường... tích cực triển khai các biện pháp phòng vệ thương mại, chống hàng giả, hàng nhái, trên thị trường.
Với các giải pháp mạnh mẽ từ Bộ trong thời gian tới, các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ tạo được chỗ đứng ngay trên sân nhà và người tiêu dùng Việt Nam cũng được đón nhận những sản phẩm chất lượng cao, uy tín./.