Cần tăng cường phối hợp, chủ động ứng phó với động đất ở tỉnh Kon Tum

Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho rằng trước mắt cần tập trung vào việc rà soát tác động và ảnh hưởng thực tiễn từ các trận động đất, rung chấn đã xảy ra tại Kon Tum.
(Ảnh minh họa: Dư Toán/TTXVN)

Tiếp tục chuyến công tác tại vùng tâm chấn động đất huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, sáng 21/4, tại thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có buổi làm việc với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum.

Qua quá trình khảo sát thực tế tại các khu vực xảy ra động đất, cũng như ý kiến của chính quyền huyện Kon Plông và đại diện bộ, ngành chức năng cũng như chuyên gia, Đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho rằng trước mắt cần tập trung vào việc rà soát những tác động và ảnh hưởng thực tiễn từ các trận động đất, rung chấn đã xảy ra tại địa bàn.

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động giúp người dân, chính quyền cơ sở thấy nguy cơ, mức độ ảnh hưởng cũng như những tác động từ động đất, rung chấn để chủ động phòng tránh. Tránh tâm lý chủ quan song cũng tránh hoang mang, lo sợ quá mức ảnh hưởng đến đời sống, phát triển kinh tế-xã hội và an ninh trật tự của địa phương.

[4 ngày xảy ra 20 trận động đất: Kon Tum ‘chờ’ Trung ương họp khẩn]

Ông Nguyễn Đức Quang, Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai cho rằng, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum cần rà soát lại phương án ứng phó, cập nhật những nội dung liên quan đến ứng phó với động đất, trên cơ sở những tài liệu hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và những tài liệu hướng dẫn của Viện Vật lý địa cầu và Bộ Xây dựng trang bị để cho chính quyền, người dân biết để có chủ động phòng tránh giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan khoa học, nghiên cứu sớm tìm ra nguyên nhân.

Từ kinh nghiệm của sông Tranh có thể rút ngắn thời gian nghiên cứu, đánh giá để sớm đưa ra được đánh gia, nhận định xác thực nhất, để có giải pháp cho phù hợp, nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm được thời gian.

Về lâu dài, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum giao các cơ quan chuyên môn của địa phương phối hợp với Viện Vật lý địa cầu, các cơ quan khoa học khẩn trương triển khai nghiên cứu về tình trạng động đất, rung chấn.

Viện Vật lý địa cầu có báo cáo rà soát và đánh giá tổng thể để Ban chỉ đạo tham mưu Chính phủ có những giải pháp căn cơ, lâu dài. Các nhà máy thủy điện như Thượng Kon Tum, Đăk Ring cũng như công trình hồ đập khác phải được rà soát, kiểm tra các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ du theo hướng chú trọng đặc biệt đối với việc phòng, chống động đất.

Theo báo cáo của huyện Kon Plông cũng như Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum, mặc dù chưa xảy ra thiệt hại về người hay tài sản, song những trận động đất, rung chấn vừa qua đã khiến người dân tỏ ra bất an, lo lắng.

Công tác tuyên truyền trấn an tâm lý người dân, hướng dẫn phòng tránh hậu quả khi có động đất xảy ra đã được chính quyền huyện Kon Plông triển khai bước đầu, song kết quả chưa như mong muốn. Nguyên nhân bởi đây là loại hình thiên tai mới, các cơ quan của tỉnh còn thiếu chuyên môn.

Ông Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum, đề nghị các bộ, ngành có liên quan xúc tiến thực hiện ngay công tác nghiên cứu, đánh giá tình hình động đất trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum, đặc biệt của huyện Kon Plông.

Qua đó, sớm đưa ra khái quát các nguyên nhân để thông báo, cảnh báo cho chính quyền địa phương, kịp thời xây dựng phương án ứng phó với các thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục