Việt Nam đang là quốc gia đi sau trong việc thực hiện hợp tác công tư (PPP) và hầu hết các mô hình đang triển khai đều có quy mô vừa và nhỏ.
Do đó, cần có cách tiếp cận chiến lược về các hình thức đầu tư, trong đó có hình thức PPP trong nông nghiệp, từ việc xác định rõ mục tiêu, tầm nhìn và cách thức thực hiện.
Tuy nhiên, trong "cuộc chơi" PPP ai là người quyết định và lợi ích của người nông dân như nào vẫn còn chưa được làm rõ.
Đây cũng là cách "nhìn" được đại diện nhiều bên từ: các bộ, ngành, tổ chức nước ngoài, các tập đoàn, doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, nhà khoa học đồng tình chia sẻ tại Hội thảo "Tầm nhìn nông nghiệp Việt Nam đến năm 2020: Hợp tác đổi mới vì sự phát triển nông nghiệp bền vững" do Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam tổ chức ngày 1/7, tại Hà Nội.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cần có chính sách hấp dẫn được doanh nghiệp tham gia vào các lĩnh vực và dự án cụ thể.
Trong PPP, lợi ích, vai trò là của tất cả các bên, trong đó lấy nông dân làm trung tâm. Có hai nguyên tắc cơ bản trong PPP nông nghiệp là chia sẻ lợi ích, rủi ro giữa nhà nước và tư nhân; quyền mặc cả và vị thế của người nông dân trong PPP.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Duy Đông nhấn mạnh cần có sự hài hòa về lợi ích cũng như chia sẻ rủi ro giữa các bên tham gia trong PPP. Nếu đặt người nông dân là trung tâm thì cần làm rõ lợi ích cuối cùng mà họ được chia là như thế nào. Chính phủ cũng phải có vai trò nhất định nhưng tiếp cận theo thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm, cụm liên kết làm chủ thể quyết định.
Góp ý kiến cho lộ trình thực hiện PPP tại Việt Nam, bà Dinicola Natalie, Giám đốc Hợp tác và Phát triển bền vững toàn cầu, Tập đoàn Monsanto cho biết, cần có sự tham gia của Chính phủ và các bên trong một tầm nhìn thống nhất và đưa ra một lộ trình rõ ràng về vai trò của mỗi bên.
Tập đoàn Monsanto đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ra những chính sách mới thúc đẩy khoa học công nghệ và hợp tác giúp nông dân tham gia vào các chuỗi giá trị.
Monsanto đang là thành viên trong nhóm làm việc chính về hợp tác PPP trong nông nghiệp và hiện có một dự án PPP ở quy mô bước đầu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô.
Trong dự án này, Monsanto cung cấp hạt giống chất lượng cao; giúp đào tạo nông dân tiếp cận kiến thức chuyển đổi; làm việc với Chính phủ và các bên liên quan chủ động giúp nông dân gắn kết với với các đơn vị thu mua.
Hiện Monsanto đã tiếp cận được 5.000 nông dân trong dự án trên và giúp họ có thêm lợi nhuận 1 triệu USD so với trồng lúa trước đấy trong vụ thử nghiệm đầu tiên và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Theo Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện sự tham gia của các bên còn hạn chế, chủ yếu mới thông qua lực lượng khuyến nông, chưa có sự ràng buộc giữa các bên bằng một hợp đồng dự án.
Nhìn chung, cơ chế hoạt động của các mô hình mới ở quy mô nhỏ, phạm vi hẹp. Vai trò của nhà nước cần được dịch chuyển dần từ người trực tiếp cung cấp dịch vụ công sang xây dựng khung chính sách, hỗ trợ, điều phối và giám sát thực hiện./.