Chiều 16/3, tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường với các nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường.
Những nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nhất là vấn đề liên quan đến việc quản lý, kiểm soát việc mua bán đất, thổi giá “ảo” và hoạt động xử lý rác đô thị cũng là điều đang được cử tri, người dân Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm, bởi những tác động trực tiếp đến đời sống người dân Thành phố.
Hoàn thiện và đồng bộ quy định về đấu thầu đất
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi tường Trần Hồng Hà về tầm quan trọng của việc cần thiết bổ sung các quy định của pháp luật trong quản lý đất đai để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất đang có những hạn chế, dẫn tới xuất hiện hiện tượng giá đất bị đẩy lên cao quá giá trị thật trong các phiên đấu giá đất gây những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Cụ thể, theo ông Lê Hoàng Châu, hiện đang tồn tại sự bất cập trong quy định nộp “tiền đặt trước” để được tham gia đấu giá. Luật Đấu giá 2016 quy định “phải nộp tiền đặt trước” với mức “tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá,” nhưng lại không có quy định nhà đầu tư phải nộp thêm tiền, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng trong trường hợp nhà đầu tư “trả giá” đất cao hơn rất nhiều lần so với “giá khởi điểm.”
Luật Đấu giá 2016 cũng chưa quy định cụ thể về điều kiện “có năng lực tài chính,” hoặc điều kiện “không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai” của nhà đầu tư để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.
[Bộ TN-MT báo cáo về tình trạng ‘cò’ đấu giá đất, quân xanh quân đỏ]
Điều này dẫn đến trong thực tế đã có một số trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất và đã nộp “tiền đặt trước” có giá trị thấp, nhưng sau cuộc đấu giá đã bỏ không thanh toán tiền trúng đấu giá, chấp nhận chịu mất “tiền đặt trước”; hoặc có trường hợp nhà đầu tư “dây dưa” kéo dài việc thanh toán.
Ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cần khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.
Kịp thời phát hiện các bất cập trong quy định pháp luật để tham mưu, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, không để xảy ra trục lợi, đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường, để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở trong thời gian tới hiệu quả, phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật.
Cùng chung quan điểm với ông Lê Hoàng Châu, Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng cần bổ sung những quy định chặt chẽ về năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia đấu giá đất; các cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp kiểm soát và nâng cao chất lượng hoạt động đấu giá tài sản; công tác thẩm định giá, tổ chức đấu giá và quản lý việc sử dụng quyền sử dụng đất trúng đấu giá đúng quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Trương Hồng Điền, để ngăn chặn tình trạng việc đẩy cao giá đất nhằm trục lợi cá nhân, cần siết chặt điều kiện cấp tín dụng cho các đơn vị tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, để các ngân hàng thương mại phải rà soát kỹ trước khi quyết định cấp tín dụng. Luật Đấu giá 2016 cần được sửa đổi, theo hướng có quy định về việc người tham gia đấu giá phải nộp kèm tài liệu chứng minh năng lực tài chính.
Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới giải pháp “xanh” cho rác
Xung quanh chất vấn của các đại biểu Quốc hội về công tác quản lý, xử lý rác thải rắn sinh hoạt, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự nhất trí cao với câu trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt cần phải hướng tới việc thay đổi từ chôn lấp sang xử lý tái chế, sử dụng hiệu quả rác trở thành thành năng lượng, thành tài nguyên.
Ông Huỳnh Minh Nhựt cho biết thêm, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hằng ngày trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là gần 9.000 tấn, chất thải rắn công nghiệp 1.500-2.000 tấn và phương pháp xử lý hiện tại đa phần vẫn là chôn lấp, chiếm 76%, nhưng giải pháp này đã dần không phù hợp do bộc lộ những hạn chế như lãng phí tài nguyên đất, tài nguyên rác, ảnh hưởng đến môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí…
Về ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về trách nhiệm của các địa phương trong công tác thu gom, xử lý rác thải, ông Huỳnh Minh Nhật chia sẻ Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu trong giai đoạn tới sẽ giảm tỷ lệ chôn lấp xuống còn 20%.
Như vậy, 80% chất thải rắn sinh hoạt sẽ được xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng và tái sinh năng lượng vào năm 2025. Thành phố sẽ dành một phần ngân sách (theo chương trình kích cầu của thành phố) để hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho các nhà đầu tư trong nước vào các dự án thu gom, tái chế, xử lý chất thải rắn tập trung.
Thành phố sẽ tăng cường việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; khuyến khích người dân phân loại tại nguồn đối với chất thải nhựa nhằm giúp cho các hoạt động tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa thuận lợi hơn, kinh tế hơn. Nhóm chất thải còn lại (không thể tái sử dụng, tái chế), được định hướng đốt, tái sinh năng lượng sản xuất điện.
Chất vấn đi vào trọng tâm cử tri quan tâm
Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn hôm nay rất kịp thời, với nội dung là các lĩnh vực được người dân, dư luận quan tâm.
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, trong buổi sáng nay, nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân, trong đó có chuyện giá xăng.
Nhân dân mong muốn nghe được các giải pháp của Chính phủ, đặc biệt sự tham mưu của Bộ Công Thương để việc tăng giá xăng ít ảnh hưởng nhất đến đời sống người dân; hoặc như vấn đề tiêu thụ nông sản, hoạt động sản xuất trong điều kiện hậu COVID-19.
Trong buổi chiều, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đều rất sát, thiết thực, là những vấn đề cử tri quan tâm, như vấn đề đất đai, môi trường, là vấn đề “nóng” hiện nay.
Đặc biệt, nhiều cử tri rất quan tâm đến hoạt động quản lý đất đai, công tác đấu giá đất khi vừa qua đã xảy ra vụ việc đấu giá đất ở khu vực Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh để lại nhiều hệ lụy.
Bà Văn Thị Bạch Tuyết nhận xét, phần trình bày, trả lời của các Bộ trưởng tương đối sát với các yêu cầu chất vấn mà đại biểu Quốc hội nêu ra. Nhưng các Bộ trưởng khi trả lời vẫn chưa thỏa mãn được mong muốn của đại biểu Quốc hội về vấn đề liên quan đến giải pháp cụ thể, hay hiệu quả như thế nào.
Chính vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội sau phần trả lời của các Bộ trưởng đã tiến hành trao đổi, phản biện. Đó là một “không khí” rất đáng quý, cần thiết trong hoạt động nghị trường, thể hiện tính dân chủ, sự quan tâm đối với các vấn đề của thời cuộc, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với mối quan tâm của cử tri với các vấn đề kinh tế-xã hội của đất nước.
“Trong phiên họp ngày hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã tham gia, làm sáng tỏ hơn những vấn đề trả lời cho đại biểu, làm rõ quan điểm trong quá trình điều hành, giải quyết các kiến nghị. Tôi cho rằng, cùng với các phiên chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp, Quốc hội nên tăng cường các cuộc chất vấn như hôm nay, để đại biểu Quốc hội phản ánh nhanh các vấn đề mà cử tri quan tâm; hoặc các vấn đề đại biểu thấy cần thiết như về thông tin tiến độ thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, để làm tốt hơn công tác giám sát và phản hồi lại với cử tri,” bà Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh./.