Chai lá cong (danh pháp khoa học: Shorea falcata) là một loài cây đặc hữu của Việt Nam. Loài cây này hiện chỉ còn phân bố rất ít, trong đó tại khu vực thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) có bảy cây cổ thụ.
Để loài cây này tiếp tục phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao đa dạng sinh học vùng ven biển, cơ quan chức năng cần sớm có những giải pháp bảo tồn.
Chai lá cong không chỉ là loài đặc hữu của Việt Nam mà theo danh mục đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên thế giới, giống cây này cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Thống kê của các nhà khoa học ở Viện Tài nguyên và Môi trường thuộc Đại học Huế cho thấy, Việt Nam chỉ còn 13 cây chai lá cong cổ thụ.
Thị xã Sông Cầu là nơi còn nhiều cây chai lá cong sống nhất với bảy cây. Những cây còn lại hiện hữu ở khu vực ven biển Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa). Chai lá cong thuộc loại thực vật có tốc độ sinh trưởng rất chậm, vì thế hàng trăm năm mới có được cây cổ thụ.
Theo Tiến sỹ Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Huế, những cây chai lá cong ở Phú Yên có thể xem là “cây mẹ” vì tuổi đời khá lớn, lên đến hàng trăm năm.
[Tỉnh Ninh Thuận: Phục hồi và bảo vệ hệ sinh thái đầm Nại]
Trên thế giới, loài cây nào chỉ có tại một vùng đất và không thể tìm thấy ở vùng đất khác, nó được gọi là endemic (tức là đặc hữu). Loài đặc hữu bắt buộc phải bảo vệ, giúp cây sinh trưởng, phát triển.
Tại vùng biển xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên), những cây chai lá cong cổ thụ có đường kính hơn 1m sống ngay ven đường giao thông nông thôn. Cây cao khoảng 30-40m, tán xòe rộng. Hàng năm, cây vẫn cho ra hoa và đậu quả nhưng khu vực xung quanh không có cây con phát triển.
Xung quanh vị trí cây chai lá cong hiện hữu không hề có một biển báo hay dấu hiệu gì để biết rằng chúng cần được bảo vệ. Cũng vì vậy, người dân sống xung quanh chẳng ai biết loài cây này lại được xếp vào nhóm cây đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam. Họ chỉ bảo vệ cây chai lá cong theo cách của người dân miền biển.
Ông Phạm Văn Hòa (60 tuổi, người dân thôn Hòa Phú, xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu) chia sẻ, từ khi lớn lên, ông đã thấy cây chai lá cong lớn rồi. Những tấm gỗ chai lá cong từ thời ông, cha để lại đến nay vẫn còn rất chắc chắn. Cây chai lá cong ở đây sống rất nhiều năm, nhiều đời nên còn có ý nghĩa tâm linh. Vì thế, người dân làng biển không ai dám chặt phá nên cây còn sống và to lớn.
Do biến đổi khí hậu, một số gốc cây chai lá cong cổ thụ đã xuất hiện tình trạng bị sâu ăn rỗng, lớp vỏ cây bị mối ăn nên có thể dùng tay để bẻ vỡ... Ông Tôn Thất Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Cầu cho rằng, cần phải có kế hoạch dài hạn để bảo tồn loài cây quý này.
Việc đầu tiên phải làm là điều tra hiện trạng phân bố và tìm những loài cây tái sinh còn lại rồi mới thực hiện bảo tồn. Cây chai lá cong phải được bảo tồn nguồn gen và nhân giống để trồng ở những vùng có điều kiện lập địa phù hợp...
Việc bảo tồn, phát triển cây chai lá cong có ý nghĩa rất lớn về giá trị kinh tế, cảnh quan môi trường. Đây cũng là sự lựa chọn phù hợp để tỉnh Phú Yên có thể phát triển, đa dạng loài cây ở các khu vực rừng phòng hộ ven biển./.