Chính phủ đã có Quyết định 567 ngày 28/4/2010 phê duyệt Chương trình Phát triển Vật liệu xây không nung đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đặt ra là phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây không nung thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 20-25% vào năm 2015, 30-40% vào năm 2020.
Đến nay, qua 8 năm thực hiện quyết định, mặc dù số doanh nghiệp đầu tư cho phát triển vật liệu không nung là không ít, song vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi nhanh với Pháo giáo sư-tiến sỹ Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam để tìm nguyên nhân và giải pháp của đến vấn đề này.
- Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội khi sử dụng lượng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than hiện nay?
Phó giáo sư-tiến sỹ Trương Duy Nghĩa: Tổng lượng tro tích lũy trong 5 năm từ 2021-2025 khoảng hơn 89 triệu tấn và từ năm 2026-2030 là 105,2 triệu tấn. Thực tế trong số lượng xỉ thải ra, lượng xỉ được sử dụng gần hết trong sản xuất ximăng vì hàm lượng cacbon chưa cháy còn trong xỉ thường nhỏ hơn 6%, nên ngành xi măng có thể tiếp nhận ngay được. Vì vậy, vấn đề đặt ra chủ yếu là xử lý tro bay.
Tro bay để sản xuất gạch không nung và là thành phần quan trọng trong công nghệ bê tông đầm lăn để xây đập lớn cho các công trình thủy điện, thủy lợi, làm nền đường giao thông. Tính trong 1 triệu tấn tro bay có thể sản xuất khoảng 600 triệu viên gạch không nung (kích thước tiêu chuẩn), nếu sản xuất gạch lỗ thì số lượng còn nhiều hơn.
Về ưu điểm và thuận lợi của việc sản xuất gạch không nung từ tro bay, tro bay có kích thước rất mịn, lại được đúc ép trong khuôn nên sản phẩm có bề mặt nhẵn bóng, không cong vênh, không có sai lệch về kích thước, dễ tạo ra các gờ, rãnh.
Do đó, không đòi hỏi thợ xây dựng có tay nghề cao, có thể dùng hồ dán nên kích thước mạch vữa rất mỏng, chỉ khoảng 1-2mm; không tốn nguyên liệu đất sét và than để nung, không tốn diện tích để phơi khô gạch mộc (đối với đất sét nung, cần phơi khô gạch mộc khoảng 30 ngày).
Ngoài ra, gạch không nung sau công đoạn ép, chỉ cần từ 3-4 ngày đã có thể vận chuyển đến công trường xây dựng theo nguyên khối sau ép, giảm bớt được công lao động bốc xếp gạch.
[Thủ tướng yêu cầu báo cáo về chính sách sản xuất gạch không nung]
Sử dụng tro xỉ là chất thải của nhà máy nhiệt điện than được nhiều ưu đãi về thuế. Gạch đất sét còn phải trả chi phí mua đất và thuế tài nguyên, không được miễn giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp nên giá thành gạch cao hơn nhiều so với gạch không nung từ tro của nhà máy nhiệt điện than.
Đồng thời, hầu hết các công trình xây dựng hiện nay đều là nhà khung, gạch xây chủ yếu để ngăn tường, không yêu cầu chịu lực cao nên là điều kiện rất thuận lợi để sử dụng gạch không nung. Điều quan trọng là sản xuất gạch từ tro bay góp phần vào việc biến tro xỉ từ chất thải thành nguyên liệu.
Tính tới năm 2030 cũng mới chỉ có 20 triệu tấn tro bay và nếu sử dụng hết tro bay để sản xuất gạch không nung thì cũng mới chỉ sản xuất được 12 tỷ viên gạch/năm, trong khi dự báo nhu cầu năm 2030 là 40 tỷ viên gạch/năm, mới đáp ứng được 30% tổng nhu cầu gạch.
- Có thể thấy việc sử dụng tro xỉ đã có khá đầy đủ cơ chế chính sách từ Chính phủ. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn kêu khó trong sản xuất. Vậy theo ông, những khó khăn trong sản xuất gạch không nung từ tro bay là gì?
Phó giáo sư-tiến sỹ Trương Duy Nghĩa: Có thể thấy, người tiêu dùng chưa quen với gạch không nung và cho rằng gạch không nung có chất lượng thua gạch nung. Điều này cần phải phân tích rõ thêm vì gạch nung có chất lượng khác nhau, không phải loại nào cũng tốt cả, hơn nữa gạch không nung từ tro bay cũng có chất lượng không thua kém gì so với gạch nung.
Thêm vào đó, nhà máy nhiệt điện than thường ở xa các đô thị là nơi có nhu cầu xây dựng lớn. Việc vận chuyển gạch tới các đô thị ở xa sẽ làm tăng giá thành viên gạch. Tuy nhiên, các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu và sắp tới Tân Nghĩa (Tiền Giang), Long An đều không quá xa so với các trung tâm đô thị lớn và cũng thuận lợi về vận chuyển theo đường thủy nên trở ngại này sẽ được khắc phục thuận lợi hơn.
Các trung tâm Vũng Áng, Quảng Trạch ở xa các trung tâm đô thị lớn nên điều kiện dư địa này cũng là trở ngại cho các trung tâm trong việc sử dụng tro xỉ để sản xuất gạch.
Trong tro bay của những nhà máy nhiệt điện than đốt nội địa còn chứa nhiều cacbon chưa cháy (tỷ lệ có thể lên tới 15-20%), làm giảm chất lượng của vật liệu xây dựng gạch, bê tông đầm lăn. Vì vậy, các nhà máy nhiệt điện than dùng than nội địa cần có giải pháp giảm hàm lượng cacbon trong tro bằng các nghiên cứu cải tiến chế độ đốt cháy, phối trộn than nội địa với than nhập khẩu nhiều chất bốc. Việc này sẽ tạo thuận lợi cho sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng đồng thời cũng góp phần tăng hiệu suất lò hơi, giảm chi phí than để sản xuất điện.
- Theo ông, cần có chính sách nào để thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng gạch không nung nói riêng, cũng như vật liệu từ tro xỉ nhiệt điện than?
Phó giáo sư-tiến sỹ Trương Duy Nghĩa: Trên thế giới, tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện than hầu như được tận dụng hết để làm vật liệu xây dựng. Chẳng hạn, Nhật Bản sử dụng 100% tro xỉ, Hàn Quốc sử dụng trên 95%. Nhiều nước còn phải nhập khẩu tro xỉ để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.
Tro xỉ là nguyên liệu quý để sản xuất vật liệu xây dựng như gạch không nung và công nghệ bê tông đầm lăn. Khối lượng tro xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than là ít so với nhu cầu làm vật liệu xây dựng nếu được khai thác triệt để cho các khả năng sử dụng này.
Đối với gạch không nung, tôi đề nghị có lộ trình tiến tới cấm sản xuất gạch nung cho tất cả các loại lò, kể cả lò tuyển; có chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng gạch không nung từ tro bay của nhà máy nhiệt điện than. Đồng thời, chỉ đạo ngành xây dựng và ngành giao thông buộc phải sử dụng tro xỉ và các sản phẩm vật liệu xây dựng từ tro xỉ, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện than trong xây dựng. Các bộ ngành cũng cần sớm xây dựng và ban hành đầy đủ hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về tro xỉ, về các sản phẩm được sản xuất từ tro xỉ.
- Xin cảm ơn ông!