Cần quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên

Nếu như năm 1986, các tỉnh Tây Nguyên chỉ có vài ngàn ha tiêu thì đến năm 2014 tăng lên trên 50.000ha và hiện nay đã có trên 71.000ha, vượt gấp nhiều lần so với quy hoạch năm 2020.
Cần quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên ảnh 1Nông dân xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Trong vài năm trở lại đây, giá hạt tiêu tăng cao, có lúc tăng lên trên 220.000 đồng/kg, nay giảm xuống chỉ còn trên 80.000 đồng/kg, lợi nhuận từ trồng tiêu gấp 2-3 lần so với trồng càphê, điều... nên đã thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên tự phát ồ ạt mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nếu như năm 1986, các tỉnh Tây Nguyên chỉ có vài ngàn ha tiêu thì đến năm 2014 tăng lên trên 50.000ha và hiện nay đã có trên 71.000ha (thực tế còn cao hơn nhiều), vượt gấp nhiều lần so với quy hoạch năm 2020; trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất, với trên 28.000ha, vượt trên 12.500ha, kế đến là Đắk Nông có gần 25.000ha, vượt 14.000ha, Gia Lai có 16.000ha, vượt 10.000ha...

Tuy nhiên, do bất chấp khuyến cáo của các đơn vị chức năng, tự phát trồng cây tiêu ồ ạt, chạy theo phong trào, không những làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của từng địa phương vùng Tây Nguyên mà đồng bào còn không chú trọng đến việc cải tạo đất, đưa cây tiêu vào trồng ở những chân đất không thích hợp, sử dụng các giống tiêu không rõ nguồn gốc dẫn đến nhiều hệ lụy, nhất là gây nên tình trạng cung vượt cầu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu gây thiệt hại lớn cho đồng bào các dân tộc.

[Vị thế của hồ tiêu Việt Nam đang rất vững chắc trên thế giới]

Theo báo cáo của ba tỉnh trọng điểm cây hồ tiêu của Tây Nguyên là Đắk Lắk, Gia Lai và Đắk Nông, hàng năm, mỗi tỉnh đều có vài ngàn ha tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ, rệp sáp. Tỉnh Gia Lai năm 2016 đã có trên 6.155ha tiêu bị nhiễm bệnh làm thiệt hại cho các gia đình trồng tiêu cả ngàn tỷ đồng...

Mặt khác, cũng chính do chạy theo phong trào, các gia đình trồng tiêu ở Tây Nguyên cũng không thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật thâm canh cây tiêu mà chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm truyền miệng học hỏi lẫn nhau từ khâu trồng đến chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại.

Theo đánh giá của Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian qua là vượt tầm kiểm soát của chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Do vậy, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các tỉnh Tây Nguyên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tiến hành quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên cần phải quản lý chặt quy hoạch, định hình các vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở những nơi có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp, chỉ rõ những vùng đất điều kiện sinh thái không thích hợp với cây hồ tiêu vận động đồng bào các dân tộc chuyển đổi sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thường trực Ban Chỉ đạo Tây nguyên cũng đề nghị các đơn vị chức năng sớm nghiên cứu để có bộ giống tốt, quy trình kỹ thuật thâm canh đồng bộ cũng như các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại phổ biến, hướng dẫn đến người trồng tiêu để áp dụng có hiệu quả.

Các tỉnh Tây Nguyên cũng tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, đơn vị trồng tiêu tổ chức liên kết sản xuất hình thành các nhóm hộ, nhóm hộ nông dân với các doanh nghiệp để đảm đảm bảo cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra, đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu hồ tiêu cho từng vùng, từng địa phương nhằm góp phần phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục