Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 sẽ có tác động rất lớn và tích cực về mặt an toàn giao thông.
Ngoài các quy định và chế tài xử phạt các hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, ông Minh cho rằng, những trường hợp chống đối lực lượng thực thi công vụ khi kiểm soát nồng độ cồn phải phạt thật nặng.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Minh xung quanh vấn đề này.
- Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, ông đánh giá như thế nào về tác động của Luật này đối với việc kéo giảm tai nạn giao thông?
Ông Trần Hữu Minh: Hiện nay, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi lái xe đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tai nạn giao thông tại Việt Nam tạo nên những hậu quả nhức nhối trong xã hội. Vì thế, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ghi rõ cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn,” tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông (bao gồm ôtô, xe máy, xe đạp, xe máy chuyên dùng và các phương tiện giao thông đường bộ khác xe đạp điện, xe máy điện...).
[Năm An toàn giao thông 2020: Đã uống rượu bia không lái xe]
Đây là cơ sở để hoàn thiện các chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm. Luật sẽ có tác động rất lớn và tích cực về mặt an toàn giao thông, tuy nhiên kết quả cụ thể sẽ còn phụ thuộc vào công tác tổ chức thực hiện.
- Nhiều trường hợp, uống rượu xong vẫn cầm lái vì tự tin rằng mình chưa say vẫn đủ khả năng về được. Vậy, theo ông làm thế nào để thay đổi hành vi cũng như nhận thức này?
Ông Trần Hữu Minh: Cá nhân tôi cho rằng thái độ của một bộ phận khá lớn người dân trong xã hội về vấn đề này hiện nay chưa thực sự nghiêm túc và đầy đủ.
Phần lớn người vi phạm mặc dù biết hành vi đó là sai nhưng vẫn thực hiện. Nhiều người nghĩ uống rượu bia vào rồi vẫn có thể lái xe rất ổn nhưng thực tế khoa học đã chứng minh hoàn toàn không phải.
Tại các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ... vào những năm 1970-1990 vấn nạn uống rượu bia khi lái xe cũng hết sức nhức nhối. Tuy nhiên, sau hàng thập kỷ kiên trì thay đổi toàn diện kể cả về mặt luật pháp, giáo dục tuyên truyền, cưỡng chế xử phạt, tới nay ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn khi lái xe tại các quốc gia này đã trở nên rất tốt. Nước ta đi sau hoàn toàn có thể đạt được nhiều kết quả trong thời gian ngắn hơn.
- Đã có nhiều đề xuất xử lý hành vi uống rượu bia lái xe như tịch thu phương tiện, treo bằng lái vĩnh viễn, hình sự hóa đối với hành vi uống rượu gây tai nạn nghiêm trọng. Ông có ủng hộ đề xuất này?
Ông Trần Hữu Minh: Trong vấn đề sử dụng rượu bia, ma túy khi lái xe, các quốc gia phát triển kết hợp cả 4 giải pháp gồm hình sự, hành chính, giáo dục và kinh tế rất hiệu quả, Hiện, nước ta mới chỉ chú trọng hành chính phạt tiền nhưng thiếu hệ dữ liệu để quản lý tái phạm; mới phạt hình sự khi có hậu quả trong khi hành vi vi phạm nghiêm trọng chưa gây hậu quả về bản chất là tội phạm nghiêm trọng thì chưa bị xử lý hình sự.
Bởi vậy, Nhà nước cần sớm sửa quy định pháp luật để kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa các công cụ về hình sự (để có thể xử lý vi phạm nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả); công cụ hành chính (tiếp tục nghiên cứu nâng cao các mức phạt để đủ sức răng đe (nếu cố tình tái vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng hoàn toàn có thể tịch thu phương tiện, treo bằng vĩnh viễn...); xây dựng hệ dữ liệu để quản lý tái phạm, chia sẻ giữa các cơ quan và địa phương để phối hợp quản lý; công cụ giáo dục (lao động công ích, học lại thi lại bằng lái xe ở mức độ khắt khe hơn) và kinh tế (thay đổi mức bảo hiểm theo mức độ rủi ro của phương tiện/người lái và lịch sử lái xe). Tuy nhiên, để làm được cần sửa rất nhiều luật cho đồng bộ.
Tăng quyền lực và công cụ để xử phạt
- Hiện nay, lực lượng thực thi kiểm tra và xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất khó, chống đối thậm chí hành hung lực lượng chức năng. Theo ông, có cần phải trao thêm quyền lực, công cụ cho lực lượng thực thi để xử phạt, nếu chống đối có thể bắt giam và xử lý hình sự ngay?
Ông Trần Hữu Minh: Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm này. Mặc dù ít, nhưng vẫn còn những trường hợp, người vi phạm quy định nồng độ cồn biết mình sai nhưng cố tình gây khó khăn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là một số người say rượu hoặc sử dụng chất kích thích thần kinh, ma tuý…
Không ít những vụ việc người vi phạm phản ứng thái quá tại hiện trường, không hợp tác, cản trở, chống người thi hành công vụ, thậm chí còn có lời nói, hành vi xuyên tạc, vu khống người thi hành công vụ, kích động những người xung quanh gây mất trật tự công cộng, ùn tắc giao thông.
Vấn đề này là chủ đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua đồng thời cũng là một trong những tồn tại làm ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực thực thi của Luật xử lý vi phạm hành chính, suy giảm tính tôn nghiêm của pháp luật.
[Ông Khuất Việt Hùng: Dư luận ủng hộ xử lý hình sự lái xe uống rượu bia]
Bởi vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm bổ sung, sửa đổi để lực lượng thực thi pháp luật có đủ quyền hạn và năng lực ứng phó kể cả những trường hợp phức tạp nhất. Những trường hợp chống đối như vậy đương nhiên hình phạt phải thật nặng.
- Lái xe vi phạm giao thông, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng xử phạt chủ xe hay doanh nghiệp thì chưa được chú trọng nhiều. Vậy, theo ông, Nhà nước phải làm gì để tóm được “"gốc" thay vì "ngọn?"
Ông Trần Hữu Minh: Trong kinh doanh vận tải, chúng ta mới chỉ tập trung xử lý lái xe trong khi các pháp nhân có liên đới trách nhiệm lớn như doanh nghiệp và chủ phương tiện thì trách nhiệm còn mờ nhạt trong cả Nghị định 46 về xử phạt hành chính và Nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Trong Nghị định thay thế Nghị định 46 và 86, Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã chỉ đạo xử lý thêm cả doanh nghiệp và chủ phương tiện vì họ không thể vô can nếu để lái xe vi phạm, đây là hướng đi rất đúng đắn.
- Xin cảm ơn ông./.