Cần phải tháo gỡ khó khăn về thị trường nông nghiệp

Nhiều thử thách đang đặt ra đối với ngành nông nghiệp, trong đó nổi lên khó khăn về thị trường là những vấn đề cấp bách cần xử lý.
Nhiều thử thách đang đặt ra đối với ngành nông nghiệp, trong đó nổi lên khó khăn về thị trường là những vấn đề cấp bách cần xử lý trong 6 tháng cuối năm 2012.

Bộ trưởng Bộ nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ rõ nếu không giải quyết kịp thời sẽ làm triệt tiêu động lực và giảm tăng trưởng chung của toàn ngành.

Sản lượng tăng nhưng giá giảm mạnh

Tại buổi sơ kết 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 29/6, Bộ trưởng Cao Đức Phát bày tỏ lo lắng khi thị trường nông nghiệp đang có nhiều bấp bênh chưa được tháo gỡ. Sản lượng nhiều mặt hàng tăng nhưng giá giảm mạnh khiến người nông dân bị thiệt hại.

Giá cá tra từ 28.000 đồng/kg, giờ chỉ khoảng 18.000 đồng/kg, giảm tới 40%. Giá lúa năm ngoái lúc cao điểm hơn 7.000 đồng/kg nay cũng chỉ còn 5.200-5.300 đồng/kg; ngoài ra các loại hàng khác như tôm hùm cũng sụt giảm từ 2-3 lần so với năm trước…

Đối với ngành chăn nuôi cũng không khá gì hơn, thời gian qua, nhiều trang trại phải gồng mình đối phó khó khăn, thậm chí kiệt quệ.

Cục phó Cục Chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết khó khăn lớn nhất là đầu ra với thịt lợn và gà công nghiệp ở vùng Đông Nam bộ giá rớt thê thảm chỉ còn 35.000-37.000 đồng/kg lợn hơi, trong khi chí phí giá thành nuôi tại trang trại đã khoảng 46.000-47.000 đồng/kg.

“Sản lượng thịt gà sẽ không thiếu hụt, nhưng đối với thịt lợn nếu không có giải pháp hỗ trợ kịp thời để người chăn nuôi quay lại tái đàn thì sẽ có nguy cơ thiếu thịt trong dịp Tết,” ông Sơn lo lắng.

Không chỉ với tiêu thụ sản xuất trong nước gặp khó, mà từ đầu năm đến nay giá nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm sút cũng đã ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả xuất khẩu của ngành.

Đến hết tháng 6, trong số 7 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính, chỉ có duy nhất hạt tiêu là có giá cao hơn so với cùng kỳ năm trước (hơn 26,3%), các mặt hàng còn lại đều có giá thấp hơn, trong đó cao su giảm giá tới 30%, tiếp đó mặt hàng sắn và các sản phẩm sắn giảm 17,6%.

Mặc dù vậy, nhờ toàn ngành chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường mới nên khối lượng xuất khẩu tăng khá, đạt hơn 13,6 tỷ USD cũng góp phần bù lại thiệt hại do giá thấp.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, ngoài những khó khăn về thị trường giá cả, ngành nông nghiệp còn đối mặt với nhiều thách thức khác như vấn đề vệ sinh thực phẩm dù rất nỗ lực nhưng cũng còn rất phức tạp, hơn 50% cơ sở giết mổ đạt loại C, đồng thời liên tục xảy ra các sự cố về vệ sinh thực phẩm ở cả xuất khẩu lẫn sản xuất trong nước.

Dịch bệnh trên gia súc, thủy sản cũng còn diễn biến khó lường, bệnh tai xanh trên lợn ngành hạ quyết tâm trong tháng 7 sẽ khống chế được, nhưng dịch trên tôm hơn 1 năm nay vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân gây bệnh, dù đã có cả các chuyên gia tư vấn nước ngoài, tổ chức FAO tới hỗ trợ.

Điều chỉnh cơ cấu, thời điểm phù hợp

“Việc cấp bách hiện nay là phối hợp với các bộ, ngành xử lý vấn đề thị trường. Không chỉ xử lý tiêu thụ trong và ngoài nước, mà cần phải nghĩ tới điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, chất lượng, thời điểm phù hợp với thị trường trong thời điểm khó khăn như hiện nay,” Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo.

Theo Bộ trưởng, quyết định tạm dừng xuất khẩu 5 mặt hàng rau, quả sang EU thời điểm này là để giữ thị trường cho những năm sau, nhưng tình trạng trên không thể để xảy ra với các mặt hàng khác.

Trước mắt toàn ngành cần tập trung thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế của ngành, phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt cả năm đạt khoảng 8,5 triệu ha, trong đó lúa cả năm đạt trên 7 triệu ha với sản lượng cả năm đạt trên 42 triệu tấn lúa, vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa xuất khẩu từ 6,5 đến 7 triệu tấn gạo.

Bên cạnh thúc đẩy sản xuất, các đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để cân đối cung cầu và đề xuất cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, giải quyết các rào cản kỹ thuật liên quan để đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng khai thác thị trường mới.

Đối với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn đề nghị nên chăng xem xét hỗ trợ cho một số doanh nghiệp có điều kiện để mua thu gom thịt tích trữ đông, tạo đà tâm lý thúc đẩy tăng giá sản phẩm chăn nuôi trở lại.

Ngoài ra, các ngành chức năng cần kiểm soát để chấm dứt tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm từ biên giới, đồng thời xem xét giảm các loại phí, lệ phí kiểm dịch. “Từ lúc sản xuất ở trang trại cho tới tiêu dùng phải qua mấy khâu phí kiểm dịch, tính ra phí cho một quả trứng cũng đã mất 200 đồng,” ông Sơn phàn nàn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát tỏ ý đồng thuận với đề xuất trên, nhưng cũng lưu ý Cục Chăn nuôi phải sớm có báo cáo tổng quát và đề xuất cụ thể, tính toán thu mua thịt trữ đông bao nhiêu thì giá có thể lên, có bao nhiêu doanh nghiệp có thể mua được. Bộ trưởng cho rằng điều này không dễ vì ít doanh nghiệp có lò mổ và kho trữ đông.

Bộ Nông nghiệp cũng yêu cầu ngành thủy sản phối hợp với các đơn vị và địa phương chỉ đạo nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đạt; chú trọng tới hướng dẫn, kiểm tra và giám sát thực hiện việc tuân thủ các quy định về điều kiện nuôi, quy trình nuôi an toàn thực phẩm và môi trường; đặc biệt phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan nhanh chóng tìm ra tác nhân gây bệnh trên tôm nuôi tại các tỉnh phía Nam, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả./.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục