Theo báo cáo của Bộ Công thương, cả nước có hơn 1.200 thủy điện cả lớn và nhỏ. Tuy nhiên, trong những năm qua, lập quy hoạch, xây dựng và khai thác thủy điện phát sinh nhiều vấn đề hạn chế gây bức xúc, lo lắng cho nhân dân khu vực có dự án thủy điện.
Qua rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trên địa bàn cả nước, Chính phủ đã đồng ý loại khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện nhỏ do hiệu quả thấp và có nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội; trong đó có Đồng Nai 6 và 6A - 2 dự án từng gây nhiều ý kiến trái chiều về tác động môi trường; không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án.
Ngày 30/10, Quốc hội đã nghe báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện vẫn còn nhiều hạn chế. Bên lề Quốc hội, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với đại biểu Đỗ Văn Vẻ, ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
- Theo ông, với việc hủy bỏ, tạm dừng hàng trăm thủy điện trên sẽ dẫn đến những hậu quả gì?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Để đảm bảo có hiệu quả thì cần phải rà soát lại thủy điện, nếu thủy điện nào đảm bảo đúng quy hoạch thì sẽ để. Thủy điện nào làm không đúng thì sẽ bỏ, đặc biệt là những thủy điện không đảm bảo được các yếu tố kỹ thuật và hiệu quả kinh tế.
Chủ trương giảm bớt thủy điện là một chủ trương phải có nghiên cứu và có căn cứ. Nếu không để thủy điện tiếp tục nữa thì phải có tiêu chí rõ ràng. Việc bỏ như vậy phát sinh những tốn kém cả về phía nhà nước và doanh nghiệp.
Về phía Nhà nước, từ công tác quy hoạch, ban đầu, tính toán có hợp lý hay không? Nếu không hợp lý mà vẫn cố làm thì lãng phí cho đất nước. Về phía doanh nghiệp, đã bỏ tiền ra đầu tư mà không làm tiếp thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp đã đầu tư rất nhiều, giờ không cho họ làm thì ảnh hưởng lớn đến kinh tế của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, Nhà nước cũng cần nghiên cứu kỹ, những thủy điện muốn loại ra, không thực hiện tiếp, phải có tiêu chí cụ thể, làm sao có lý có tình, giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Tôi và nhiều đại biểu đã nói rất nhiều lần trên Quốc hội cần phải đặt mục tiêu tổng hợp. Mục tiêu đầu tiên là góp phần cung cấp điện cho quốc gia, mục tiêu thứ 2 là ngăn lũ, chặn lũ trong mùa mưa và cấp nước trong mùa khô. Các dự án thủy điện bị loại ra là không đạt chỉ tiêu đó.
- Thưa ông, liệu đây có phải là lỗ hổng lớn trong quy hoạch không? Tại sao lại để sự việc tràn lan đến mức này?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Đây là hậu quả một thời kỳ rộ lên phong trào làm thủy điện. Khi đó, nhu cầu điện đang có nguy cơ thiếu, trái đất nóng lên, sản xuất kinh doanh thì đang phát triển mạnh. Chính vì vậy, các doanh nghiệp thì hy vọng đầu tư vào thủy điện sẽ đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch khi đó làm chưa được đầy đủ. Vì thế, số doanh nghiệp tham gia làm thủy điện nhiều, có những công trình đạt chất lượng nhưng cũng có nhiều công trình không đạt chất lượng. Bây giờ, yếu tố đầu tiên là phải an toàn, đảm bảo chất lượng và đảm bảo môi trường, cũng như các quy định.
Vì thế, việc rà soát thủy điện để đảm bảo các yếu tố theo quy định, như môi trường, xã hội, năng lượng, phù hợp tình hình thực tế thì để lại. Những dự án nào không phù hợp các tiêu chí như quy định thì loại bỏ, để tập trung cho những dự án trọng điểm khác.
- Theo ông, ai quyết định quy hoạch, đầu tư sai thì phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Các đại biểu mong muốn chúng ta đánh giá và rút kinh nghiệm. Về phía các cơ quan cũng cần phải tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để sau này không còn xảy ra tình trạng như vậy. Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó.
- Có một thực tế, Đảng và Nhà nước khi tái định cư thủy điện, chuyển người dân đến nơi ở mới thì đều mong muốn có nơi ở tốt hơn hoặc ít nhất là bằng nơi ở cũ, nhưng trên thực tế chưa được như mong muốn. Ở góc độ này thì các địa phương phải có trách nhiệm gì với người dân, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Bà con ở những vùng xây thủy điện, khi chuyển đi nơi khác để phục vụ công trình kinh tế xã hội, thì đó là sự hy sinh lớn của nhiều gia đình. Vì thế, chủ trương Đảng và Nhà nước là đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư cho những gia đình phải di dời.
Tuy nhiên, đoàn đi giám sát ở các nơi thì có những vùng chúng ta đã làm tương đối tốt cho bà con yên tâm sản xuất, phát triển kinh doanh, ổn định chỗ ở. Nhưng có những vùng còn đang làm nên chưa hoàn thiện. Quan điểm của chúng tôi là mong muốn Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, hỗ trợ cho những gia đình tái định cư, những người đã hy sinh ruộng, đất… phải làm sao để người dân yên tâm, ổn định về chỗ ở, có điều kiện tốt hơn cả trước kia.
- Dưới góc độ là một đại biểu Quốc hội, ông có kiến nghị gì không?
Ông Đỗ Văn Vẻ: Đúng là trong thời gian trước, việc phát triển thủy điện quá ồ ạt, dẫn đến tình trạng quá nhiều thủy điện nhưng lại không đảm bảo về chất lượng công trình, ô nhiễm môi trường, vừa không đảm bảo quy hoạch chung.
Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước cần có trách nhiệm đối với công tác quy hoạch thủy điện, không nên để nhiều quá, ảnh hưởng cả về kinh tế và xã hội. Cần rút kinh nghiệm trong công tác quy hoạch, không chỉ về thủy điện mà các ngành khác cũng vậy, vai trò quy hoạch hết sức quan trọng.
Ngoài ra, các bộ, ngành phải có trách nhiệm tính toán thật kỹ về quy hoạch trước khi thực hiện. Việc dừng lại một số thủy điện không cho phát triển nữa đúng là vấn đề không mong muốn.
Các đại biểu cũng đều có đề nghị là trước khi làm gì thì nên nghiên cứu kỹ. Trong công tác quy hoạch đặc biệt cần có tầm nhìn lâu dài, kể cả các yếu tố tác động biến đổi khí hậu, đánh giá tác động môi trường, chiến lược đầu tư.
- Xin cảm ơn ông!