Cần nhiều cơ chế đặc thù để phát triển giáo dục vùng ĐBSCL

Đại diện tỉnh An Giang và Sóc Trăng cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn bị coi là vùng trũng về văn hóa, đặc biệt đối với các tỉnh đông người dân tộc thiểu số sinh sống.
Cần nhiều cơ chế đặc thù để phát triển giáo dục vùng ĐBSCL ảnh 1Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Ánh Tuyết/TTXVN)

Đồng bằng sông Cửu Long vẫn bị coi là vùng trũng về văn hóa, đặc biệt đối với các tỉnh đông người dân tộc thiểu số sinh sống như An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh... là ý kiến của các đại diện tỉnh An Giang và Sóc trăng tại hội thảo đóng góp cho dự thảo "Phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020."

Hội thảo do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 10/6, tại Cần Thơ với sự tham gia của các đại biểu đến từ 13 tỉnh, thành trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đặc biệt chú trọng đến các cơ chế đặc thù để phát triển giáo dục vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó nhấn mạnh đến các chính sách cho nhóm đối tượng học sinh các vùng dân tộc thiểu số. 

Hiện nay, chính sách hỗ trợ nội trú và miễn giảm học phí cho học sinh cử tuyển chỉ bó hẹp trong nhóm đối tượng học sinh dân tộc thuộc diện nghèo và cận nghèo là bất hợp lý.

Bởi lẽ, rất khó để vận động các bậc phụ huynh đồng bào dân tộc đồng ý cho các em đến trường. Một người đi học là gia đình mất đi một lao động, lại tốn thêm các khoản chi phí nhà ở, đi lại, học phí... ​

Do dó, tỷ lệ huy động học sinh dân học thiểu số đến trường sẽ không thể cao như mong đợi.

Từ thực tế đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến học dành cho nhóm đối tượng này sát hơn nữa với thực tế vùng Tây Nam Bộ.

Trong đó, phải đảm bảo 100% học sinh cử tuyển được ở nội trú, miễn học phí và thậm chí là có chế độ học bổng cho các cá nhân có thành tích học tập xuất sắc.

Đại biểu các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau đề xuất các cơ chế đặc thù trong hướng nghiệp và hỗ trợ tạo việc làm sau khi học nghề.

Theo các đại biểu, công tác hướng nghiệp hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Những mô hình hướng nghiệp đã lạc hậu so với thực tế phát triển xã hội.

Mặ​t khác, hướng nghiệp không thể áp dụng chung một mô hình cho cả nước vì mỗi vùng có đặc điểm địa lý, dân cư, văn hóa khác nhau.

Cụ thể, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sông nước, cư dân mạnh về nông nghiệp và ngư nghiệp. Vì thế, hướng nghiệp cần định hướng phát triển các nghề thế mạnh của địa phương, kết hợp với tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Thực tế cho thấy, các mô hình nông​-ngư nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa - vi tính hóa trong các ngành thủ công đang chứng minh hiệu quả và từng bước mang lại đời sống kinh tế ổn định cho người lao động.

“Chỉ có được đào tạo những công việc địa phương cần thì người lao động mới không lo thất nghiệp ngay chính trên sân nhà,” các đại biểu nhấn mạnh.

Các đại biểu Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre đề nghị trong dự thảo về "Phát triển giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016-2020," Ban soạn thảo cần tham mưu cho chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên tự tạo việc làm sau khi tốt nghiệp khóa học nghề.

Quỹ này sẽ góp phần tạo được sự an tâm để các em chọn trung cấp nghề thay vì bằng mọi giá phải vào đại học.

Thực tế, sinh viên tốt nghiệp trường nghề, muốn khởi nghiệp rất khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi.

Trong khi xã hội khuyến khích các cá nhân tự tạo việc làm, thì sự thiếu vốn khởi nghiệp lại trở thành lực cản làm lãng phí nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề cập đến các chính sách khuyến khích doanh nghiệp chung tay với nhà trường trong công tác đào tạo nghề. Bởi chỉ khi doanh nghiệp cùng chung tay, thì đào tạo nghề mới đi vào thực chất và tránh lãng phí…

Đóng góp cho dự thảo, các đại biểu tỉnh Long An, Tiền Giang nêu ra mô hình trường cao đẳng cộng đồng, dựa trên liên kết giữa các tỉnh trong vùng.

Mô hình này nhằm tái cơ cấu các cơ sở đào tạo giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp và dạy nghề công lập ở mỗi tỉnh, tránh sự trùng lắp, phân tán, manh mún, cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đảm bảo chất lượng đào tạo.

Mô hình trường cao đẳng cộng đồng hoạt động trên tiêu chí chủ động tìm hiểu và năng động đáp ứng nhu cầu cộng đồng.

Một vấn đề khác không kém phần quan trọng, được khá đông đại biểu quan tâm, đó là các chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên vùng Tây Nam Bộ.

Giáo viên ở đây đang sống trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, di chuyển khó khăn.

Việc tiếp cận, học tập nâng cao trình độ cũng không dễ dàng. Vì thế, Chính phủ cần nghiên cứu để có chế độ ưu đãi về lương, đặc biệt là nhóm giáo viên mầm non dạy bán trú và nhóm giáo viên trình độ cao đang giảng dạy tại vùng sâu, vùng xa, vùng địa hình nguy hiểm, khí hậu khắc nghiệt…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục