Cơ sở vật chất, kỹ thuật thương mại tại hầu hết các khu vực cửa khẩu, tuyến biên giới còn lạc hậu; các công trình cơ bản như kho ngoại quan, hệ thống cửa hàng giới thiệu, mua bán hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu đều thiếu và yếu là những bất cập được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác Ban chỉ đạo Thương mại biên giới do Bộ Công Thương tổ chức sáng 26/11, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa từ Lạng Sơn sang Trung Quốc năm 2012 đạt 2,2 tỷ và dự tính đạt 2,5 tỷ USD trong năm 2013, đóng góp quan trọng vào kim ngạch chung của cả nước.
Tuy nhiên, do hệ thống giao thông xuống cấp, thiếu kho bãi cũng như cơ sở vật chất để bảo quản hàng hóa khiến tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng nông sản tại một số cửa khẩu thường xuyên diễn ra.
"Nếu không được đầu tư đúng mức thì năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước sẽ không được cải thiện," ông Bình kiến nghị.
Cùng chung ý kiến này, ông Đàm Văn Bông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, nhấn mạnh thêm thương mại biên giới góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhưng do hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống thanh toán còn thấp kém đã tác động trực tiếp đến chính sách thu hút đầu tư của tỉnh.
"Chính phủ và các bộ ngành cần có chính sách ưu đãi đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các cửa khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trong nước," lãnh đạo tỉnh Hà Giang nói.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Thương mại biên giới Trung ương, hạ tầng kỹ thuật khu vực biên giới nhìn chung còn yếu kém, lạc hậu là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất nhập khẩu thương mại biên giới chưa khởi sắc.
Do vậy, để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới cần có nhiều ưu đãi và chính sách riêng cho các tỉnh biên giới, trong đó cần phân cấp quản lý thuế biên mậu, số tiền thu được để lại cho địa phương để đầu tư hạ tầng cơ sở.
Bên cạnh đó, việc điều hành hoạt động thương mại biên giới từ Trung ương đến địa phương cũng theo hướng phát huy ưu thế đặc thù của từng địa phương, tiếp tục thực hiện cơ chế phân cấp hợp lý cho địa phương.
Với 25 tỉnh biên giới, có tổng chiều dài đường biên tới trên 5.000 km, Việt Nam hiện có 23 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 42 cửa khẩu phụ, trên 160 đường mòn, lối mở qua biên giới và 24 khu kinh tế cửa khẩu. Thương mại biên giới cũng là kênh thông thương chính giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch thương mại chung của cả nước.
Theo ước tính của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới từ năm 2008 đến 9 tháng đầu năm 2013 đạt 72 tỷ USD, tăng bình quân 10%/năm. Trong đó, hàng hóa trao đổi chủ yếu qua các cửa khẩu quốc tế chiếm 48%, lối mở biên giới chiếm tỷ trọng 33%, cửa khẩu phụ chiếm 15% và cửa khẩu chính chỉ chiếm 4%./.